Ngày hội bóng đá và ngày hội của… 'cò vé'!

Bất ngờ thúc thua trước CLB Công an HN tại vòng 11 V. League 2023 trên sân nhà khiến mạch bất bại của đội bóng bên bờ sông Mã đã phải dừng lại ở con số 10.

 

Cục diện này khiến mùa bóng năm nay bỗng trở nên kịch tính, khó lường khi 3 tập thể dẫn đầu (hai CLB nói trên và đội đang xếp thứ 3 là Hà Nội FC) chỉ hơn - kém nhau số điểm tương đương với một trận thắng. Đáng nói hơn, bên cạnh bầu không khi rất sôi động trên thảm cỏ, sân Thanh Hoá còn ghi nhận một hình ảnh “mới mà cũ”: Cò vé tái xuất khi đội nhà hút khách trở lại (sức chứa hơn 10.000 chỗ đã được lấp đầy).

Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi đề cập đến nạn “vé chợ đen” sân Thanh Hoá. Từ hơn một thập kỷ trước, khi còn được nhận định là “ngựa ô” của V.League 2011, CLB Thanh Hóa đã tạo ra sức hút đáng kể về phía các khán đài. “Vụ mùa bội thu” nhất của “nghiệp đoàn cò vé” xứ Thanh thời điểm ấy là trận “derby Đèo Ba Dội”: Thanh Hóa - TV Ninh Bình ở lượt đi. Số khán giả vào sân lên tới 15.000 người - một trong những “kỷ lục” của sân Thanh Hóa. Lượng vé dành cho CĐV Thanh Hóa đột ngột bị cắt giảm do phải “san sẻ” cho hàng nghìn khán giả từ bên kia ngọn đèo nổi tiếng trong thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương khiến nguồn “cầu” tăng lên với tốc độ chóng mặt. Đây chính là lý do để các “cò vé” xuất hiện, “tác nghiệp”. Mặc dù lãnh đạo CLB đã có nhiều biện pháp “dĩ độc trị độc” như: không bán vé cho cá nhân với số lượng lớn; lượng vé bán ra được chia làm nhiều đợt và bán tới giờ bóng lăn… song tính ra, mỗi tấm vé, trung bình dân phe vẫn “ăn” được vài chục ngàn đồng.

Vé sân Thanh Hoá còn được săn đón ở nhiều mùa giải sau đó như V.League 2014, V.League 2016…; đặc biệt trở nên “nóng bóng” vào những thời điểm đội bóng xứ Thanh “sáng cửa” vô địch. Giải vô địch năm nay một lần nữa rơi vào quỹ đạo ấy: Các học trò của huấn luyện viên ngoại Popov Velizar Emilov thắng như chẻ tre, liên tục “ngự” trên đỉnh bảng xếp hạng nhiều vòng đấu. Và màn thư hùng với Công an Hà Nội trong “trận cầu 6 điểm” ngày 5/6/2023 được xem là “thời cơ chín muồi” để “tập đoàn môi giới vé tự phát” một lần nữa xuất hiện.

Cũng như các “mùa” trước, năm nay, cò vé sân Thanh Hoá vẫn sử dụng các “chiêu”, “mánh” cũ, đó là chầu chực trước quầy bán vé trước hàng tiếng đồng hồ, không ngần ngại huy động cả bạn bè, người thân vào cuộc để tăng thêm suất mua. Đối tượng được các “cò” nhắm đến là những khán giả… ngại chen lấn. Trong cái nắng gay gắt, trước 3 - 4 ô cửa bán vé đông nghịt người, không ít người hâm mộ xông vào lại bị “đánh” bật ra, “cò” xuất hiện cùng nụ cười tươi như hoa, đề nghị “để lại” cặp vé với giá cả thỏa thuận (thường là cao gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi so với giá gốc).

Thanh Hóa đang dẫn đầu BXH V-League 2023.Nhìn nhận một cách khách quan thì hiện tượng “cò” thổi vé ở sân Thanh Hoá cho thấy sự hấp dẫn, khốc liệt của sân chơi “sang” nhất làng - giải đấu mà Ban tổ chức từng “cho không, biếu không” bản quyền, nhiều sân vận động cũng thường xuyên “tháo khoán”, mở cửa tự do… Thêm nữa, để kiếm được vài chục ngàn đồng, các môi giới đã “đổ mồ hôi” theo đúng nghĩa đen. Song điều đó cũng không che lấp được hệ lụy từ những cơn sốt vé khi tình yêu, niềm đam mê của người hâm mộ bị giới “cò” biến thành món hàng để “ăn” chênh lệch. Chưa nói đến, sự an toàn của số đông người hâm mộ đến sân đang đứng trước những thánh thức bởi ai dám chắc, trong những tập vé được cò chào mời kia, không có thứ “đồ giả” lẫn vào? Mà điều này còn liên quan đến quyền lợi của CĐV, năng lực của các nhà tổ chức. Chẳng phải mùa giải 2007, SVĐ Thanh Hóa từng “vỡ”, từng được nhận diện là “điểm nóng” của làng cầu quốc nội đó sao?

Vậy thì nên chăng, song song với những toan tính về chiến thuật, đấu pháp, nhân sự, có lẽ không còn quá sớm để Ban tổ chức sân Thanh Hóa “tuyên chiến” với nạn đầu cơ vé để mỗi chiều cuối tuần thực sự là ngày hội của người hâm mộ xứ Thanh - họ không phải vừa cổ vũ vừa mất thêm tiền ngoài giá vé./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận