Trọng tài ngoại không đồng nghĩa với sự bảo đảm về chuyên môn!

Cty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam mời trọng tài ngoại điều khiển một số trận cầu 'đinh' khi giải bóng đá cao nhất quốc nội bước vào giai đoạn hạ màn.

 

Theo xác nhận của những nhà làm giải, từ vòng đấu thứ 10 và 11 V.League 2023 (tức là chưa hết giai đoạn 1), các trận thư hùng: TP.HCM FC - Đà Nẵng FC, Đà Nẵng - Bình Dương, Đông Á Thanh Hóa - Công an Hà Nội sẽ do các vị “vua ngoại” cầm cân nảy mực.

Nguyên nhân khiến trọng tài ngoại xuất hiện sớm hơn thường lệ, không gì khác ngoài sự non kém từ các đồng nghiệp “Made in Việt Nam”. Những vòng đấu gần đây, Khánh Hòa FC và đặc biệt là câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An đã bất phục ra mặt với các phán quyết “sai lè lè” từ những người điều khiển trận đấu. Điển hình là ở màn so tài Công an Hà Nội - Sông Lam Nghệ An (vòng 9); khi đồng hồ chỉ sang phút thứ 45+1, ngoại binh Soladio (SLNA) đón đường chuyền thuận lợi từ đồng đội, băng xuống sút tung lưới thủ thành đối phương. Diễn biến tình huống trên sân cho thấy, tiền đạo SLNA còn đứng trên hậu vệ Công an Hà Nội tới cả mét, nhưng trợ lý trọng tài Nguyễn Thanh Sơn vẫn phất cờ báo lỗi việt vị. Điều đáng nói là chỉ ít giờ sau khi trận đấu kết thúc, đích thân Trưởng ban Trọng tài VFF - ông Đặng Thanh Hạ đã đăng đàn khẳng định: Tình huống bắt việt vị ấy hoàn toàn sai!.

Song, thực tế giải chuyên nghiệp nhiều năm gần đây cho thấy, dẫu chỉ ở khía cạnh chuyên môn, nhưng dường như các ông “vua ngoại” cũng chưa thể đáp ứng được kỳ vọng của Ban tổ chức cũng như khán giả cả nước.

Chẳng hạn như V.League năm ngoái, vị trọng tài người Thái Lan Songkran Bunmeetkiart đã phải hứng chịu không ít phản ứng từ các khán đài trong màn so găng giữa hai câu lạc bộ: Đà Nẵng - Tp Hồ Chí Minh. Cũng ở V.League 2022, vị “vua sân cỏ”   mang quốc tịch xứ Chùa vàng, thậm chí còn đạt đẳng cấp FIFA là ông Mongkolchai Pechsri còn mắc lỗi nghiêm trọng khi bỏ qua một quả phạt đền “rõ mười mươi”.

Xa hơn nữa, hẳn người hâm mộ vẫn chưa quên phát ngôn “kinh điển” của ông bầu Đỗ Quang Hiển khi “mục sở thị” 90 phút thi đấu mang ý nghĩa “trận chung kết của V.League 2015” giữa CLB Hà Nội với B.Bình Dương tại vòng 21. Do tính chất quan trọng - ảnh hưởng tới chức vô địch của mùa giải nên một trọng tài đến từ đất nước mặt trời mọc là ông Takube Okabe được giao trách nhiệm cầm còi. Ấy thế nhưng, khi trọng tài Okabe nổi hồi còi kết thúc trận đấu, trần tình trước báo giới, bầu Hiển đã không giấu được sự thất vọng khi so sánh năng lực ông Okabe với các trọng tài… cấp phường. Còn ở mùa bóng 2017, trước những quyết định khá “non” của “vua ngoại” Suhaizi Bin Shukri, huấn luyện viên trưởng của S.Khánh Hòa cho rằng Ban tổ chức đã “phí tiền” cho công tác này.

Trọng tài người Thái Lan sẽ bắt chính trận đấu giữa TPHCM và Đà Nẵng tại vòng 10 V.League 2023. Ảnh: VPF

Nói tóm lại, những “điểm đen” của V.League vài ba vòng đấu gần đây chủ yếu là do năng lực của trọng tài. Vậy nhưng, thực tế là sau nhiều mùa giải gửi niềm tin và hy vọng vào chuyên môn của trọng tài ngoại song những “khách mời” lại bộc lộ không ít hạn chế về… chuyên môn. Nên sẽ chẳng ngạc nhiên nếu các trận cầu “nóng” của V.League 2023 bị phá hỏng bởi chính “vua ngoại”.

Bởi vậy, xét cho cùng thì việc mời trọng tài ngoại quốc ở những vòng đấu tới chỉ có ý nghĩa vạch cho Ban tổ chức một “hành lang an toàn” bằng cách đẩy các “vua ngoại” lên đầu sóng ngọn gió (nếu có). Nói cách khác, nếu có sai sót từ các trọng tài ngoại thì cầu thủ, người hâm mộ sẽ không phải ưu tư với nghi vấn muôn thuở: Có hay không lỗi tư tưởng (?) chứ sự hiện diện của các vị “cha mẹ dân” bên ngoài lãnh thổ quốc gia không đồng nghĩa sẽ giải quyết được những bất cập về năng lực trọng tài ở V.League./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận