'Chuyện nhỏ' mà… không nhỏ!

Sau mỗi Đại hội Thể thao khu vực, hậu trường đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam lại khiến dư luận nước nhà 'nổi sóng' bởi chuyện chia tiền thưởng.

 

Hẳn người hâm mộ vẫn chưa quên việc “ăn chia” tại kỳ SEA Games 27 diễn ra trên đất nước Myanmar cách đây chẵn một thập kỷ. Với ngôi vị Á quân, tổng mức thưởng cho thầy trò cựu huấn luyện viên Trần Vân Phát lúc ấy khoảng 2,7 tỷ đồng và được thống nhất chia thành 4 mức: loại A (gồm huấn luyện viên trưởng và 11 cầu thủ đá chính, loại B (cầu thủ dự bị thứ nhất và bác sĩ chính), loại C (các trợ lý người Việt) và loại D (cầu thủ dự bị thứ hai, trợ lý bác sĩ, trợ lý ngôn ngữ, cầu thủ không ra sân)…

Nhìn vào tổng số ngân khoản thưởng cùng số lượng thành viên Đội tuyển (cỡ vài chục người), chẳng cần quá giỏi tính toán, người ta vẫn nhẩm ra được số tiền “bèo bọt”: Trung bình chỉ dăm-bảy chục triệu/cầu thủ. Nhưng dẫu sao thì với không ít tuyển thủ nữ, đây vẫn là cơ hội để tạm gác lại nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền thường trực. Tuy nhiên, vừa kịp mừng cho “những cô gái đá bóng”, khán giả đã lập tức chuyển sang trạng thái sửng sốt khi thấy cái tên Phan Anh Tú trong danh sách thưởng thuộc “nhóm B”.

Theo cơ cấu, kỳ SEA Games năm ấy, ông Phan Anh Tú được giao trọng trách Trưởng đoàn Bóng đá nữ. Và ông Tú đã trần tình với báo giới, rằng: thành tích của Đội tuyển gắn liền với tên tuổi của Trưởng đoàn nên ông xứng đáng được… chia tiền. Ông Tú còn tự xếp mình thuộc… nhóm B, tức được nhận số tiền thưởng tương đương với cầu thủ dự bị thứ nhất.

Trên lý thuyết, vai trò của một Trưởng đoàn bóng đá rất nặng nề, vừa phải lo đối nội, vừa phải lo đối ngoại. Song cũng có ý kiến phủ nhận, cho rằng đóng góp của ông Phan Anh Tú vào tấm Huy chương Bạc bóng đá nữ là không nhiều. Thậm chí, ai đó còn “nói toạc móng heo”: Trưởng đoàn - dẫu là bóng đá, điền kinh hay nội dung nào đi chăng nữa cũng chỉ để cho… đủ thành phần. Do SEA Games diễn ra định kỳ với tần suất khá dày (2 năm/lần) nên mọi công tác gần như đã được “tự động hóa”, chẳng cần đến Trưởng đoàn, mọi chuyện vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch. Bởi vậy, nếu vẫn muốn “có phần” thì ông Tú nên chừng mực - nhận ở “nhóm D” sẽ hợp lý hơn.

Đội tuyển nữ Việt Nam nhận thưởng lớn sau chiến tích tại SEA Games 32.

Đó là những gì diễn ra từ 10 năm trước, còn tiền thưởng cho đội tuyển Bóng đá nữ tại SEA Games 32 được phân bổ ra sao?

Theo tính toán, tấm huy chương Vàng (HCV) trên đất nước Chùa tháp đã mang lại cho Huỳnh Như, Thanh Nhã cùng đồng đội số tiền thưởng chừng 6 tỷ đồng, bao gồm 3,6 tỷ từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, thưởng từ ngân sách Nhà nước: 1,125 tỷ đồng (45 triệu đồng cho một HCV), từ Tập đoàn Thaco: 1 tỷ đồng và từ tập đoàn Metfone tại Campuchia: 200 triệu đồng!

Ngân khoản này cũng được chia thành 4 mức; “nhóm D” bị bỏ, thay bằng A, A-, B và C; tương đương với “điểm số” lần lượt là: 10, 8, 7 và 5. Điều đáng nói là Trưởng đoàn Bóng đá nữ tại SEA Games năm 2023 (ông Dương Nghiệp Khôi) đã không còn “chễm chệ” ở nhóm 2 mà đã “tụt” xuống nhóm 3 (trên thực tế, tiền thưởng giữa hai nhóm: “A trừ” và B chênh nhau không nhiều).

Vai trò của vị Trưởng đoàn quan trọng ra sao? Xứng với mức chia thưởng nào?... hẳn bạn đọc sẽ tự tìm được cho mình câu trả lời. Nhưng thực tế sân cỏ nước nhà đã chứng minh: Việc chia tiền thưởng (sau mỗi giải đấu thành công) thật minh bạch, khách quan cũng là một thử thách không dễ vượt qua đối với những người có trách nhiệm!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận