Ngẫm từ lá đơn từ chức của Chủ tịch FFC

Ngay sau thất bại trước U22 Myanmar (tối 7/5/2023), dẫu U22 Campuchia vẫn chưa chính thức phải dừng bước thì Chủ tịch FFC vẫn đệ trình lá đơn từ nhiệm.

 

Trước khi trái bóng tại Đại hội Thể thao khu vực lần thứ 32 chính thức chuyển động, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Campuchia (FFC) - ông Sao Sokha đã thông báo với giới mộ điệu túc cầu giáo nước này, rằng: Sẽ từ chức nếu đội tuyển bóng đá U22 nước này bị loại từ vòng đấu bảng.

 Ngay sau thất bại trước U22 Myanmar (tối 7/5/2023), dẫu U22 Campuchia vẫn chưa chính thức phải dừng bước thì Chủ tịch FFC vẫn đệ trình lá đơn từ nhiệm. Đáng nói hơn, chỉ chưa đầy 2 ngày sau (tức ngày 8/5/2023), vị “tư lệnh bóng đá” xứ Chùa Tháp đã cho đăng tải trên facebook chính thức của FFC bức thư, nói về cuộc điện đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Sen như là một lý do khiến ông tiếp tục tại vị.

Trước hết, cần phải thấy rằng, việc “quân thua, tướng mất ghế” không phải câu chuyện quá xa lạ ở những tập thể bóng đá mang thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, việc một đội bóng chưa hoàn thành mục tiêu, cả “quân” lẫn “tướng” vẫn đang miệt mài trong hy vọng lách qua khe cửa hẹp mà “tư lệnh” đã chủ động nhận trách nhiệm thì quả là “hiếm có khó tìm”. Vì lẽ đó, hành động “treo ấn từ quan” của Chủ tịch FFC đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ phía truyền thông (và cả cái gọi là “cộng đồng mạng”). Người ta khen ngợi ông Sao Sokha “dám nói - dám làm - dám chịu trách nhiệm” và tin tưởng rằng, khi được dẫn dắt bởi một cá nhân đầy khí phách như vậy thì việc bóng đá Campuchia “bay cao - bay xa” trong tương lai là hoàn toàn có cơ sở.

Dẫu ngợi khen song với một phát ngôn “gây sốc” (từ chức nếu U22 Campuchia không giành vé Bán kết), ông Sao Sokha cũng khiến hàng triệu tín đồ bóng đá khu vực có cảm giác: Dường như người đứng đầu FFC có đôi chút ảo tưởng về sức mạnh của đội nhà, đồng thời thiếu thực tế về cái gọi là “nền tảng”, “đẳng cấp” của một đội bóng lớn.

Không phủ nhận, “người Campuchia” đã rất “chịu chơi” ở Đại hội Thể thao khu vực lần này (miễn phí ăn ở cho tất cả các vận động viên, mở cửa tự do cho người hâm mộ thưởng lãm…). Và bóng đá (cũng như nhiều môn thể thao khác) đều được đầu tư rất đáng kể. Đơn cử như trong chiến lược đưa Campuchia lọt vào top 4 tại ASIAN Cup 2027 và xa hơn là lọt vào Vòng chung kết World Cup 2030, FFC đã mời vị chuyên gia lừng danh người Nhật Bản Satoshi Saito, người từng có kinh nghiệm thiết kế mô hình cho nhiều giải vô địch trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Nam Mỹ - về nắm giữ cương vị giám đốc điều hành giải vô địch quốc nội Campuchia. Số lượng câu lạc bộ tham dự sân chơi này cũng được thu hẹp từ 13 xuống 8 để tăng tính cạnh tranh, khốc liệt.

Việc “quân thua, tướng mất ghế” không phải câu chuyện quá xa lạ ở những tập thể bóng đá mang thương hiệu quốc gia.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, ngoài sự “xông xênh” về tiền bạc, cần “tầm nhìn”, “tầm vóc”, “bản lĩnh” của người đứng đầu và quan trọng không kém là quỹ thời gian để một tập thể chuyên nghiệp có độ “chín” cần thiết. Đây dẫu là những tiêu chí khá mơ hồ, khó định lượng nhưng chẳng phải bóng đá Malaysia thập niên 2010 chính là “bằng chứng sống” đó sao? Họ mất tới trên dưới nửa thập kỷ để hoạch định chiến lược, con người. Đặc biệt là Đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 32. Thành tích mà “lữ đoàn đỏ” giành được có thể không quá “hào nhoáng” nhưng việc U22 sớm giành vé Bán kết ở bảng đấu “tử thần” là kết quả xứng đáng đến từ một nền bóng đá có sự ổn định sau quãng thời gian dài gây dựng khát vọng, thương hiệu (dưới thời HLV Park Hang Seo).

Bởi vậy, dẫu lãnh đạo FFC “không tiếc tay” thì người hâm mộ vẫn cảm nhận được sự nôn nóng qua phát ngôn của Chủ tịch Sao Sokha cùng một U22 Campuchia “chưa đủ tuổi” để “hóa rồng”. Nói cách khác, bóng đá Campuchia đang có một “tư lệnh” dũng cảm nhưng cầu thủ thì vẫn cần thêm thời gian để gắn kết.

Mà “vế thứ hai” thì không thể đến trong một sớm một chiều!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận