Khán giả lăng mạ trọng tài

Ban Kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam ngày 15/4/2023 ra quyết định phạt hai đội bóng: Hà Nội FC và CLB Hải Phòng 20 triệu đồng.

 

Nguyên do vì những vi phạm từ cổ động viên, trong đó có việc “có lời lẽ thô tục lăng mạ xúc phạm trọng tài” là đề tài được bàn tán rôm rả. Chuyện này gợi lại một hình ảnh từng gây xôn xao giải bóng đá quốc nội: Khán giả lăng mạ trọng tài!

Câu chuyện ấy diễn ra tại vòng 6 V.League 2017, một nhóm khán giả Hải Phòng, do không phục những quyết định của trọng tài Nguyễn Hiền Triết nên đã hướng vào sân, gọi thẳng tên ông Triết và không ngừng chửi bới. Những phản ứng thiếu văn minh của một bộ phận khán giả Hải Phòng đã phải trả giá bằng bản án: CLB Hải Phòng nộp phạt 50 triệu đồng, phải thi đấu một trận trên sân không có người hâm mộ.

Và như đã đề cập ở đầu bài viết, trong khuôn khổ vòng 6 giải chuyên nghiệp năm nay, “dàn đồng ca” năm nào lại được cất lên. Đối tượng họ nhắm đến lần này vẫn là tổ trọng tài điều khiển trận đấu. Và đáng nói hơn, song song với màn “chửi tập thể” là những quả pháo sáng không ngừng được đốt trên những khán đài.

Trước hết phải thấy rằng, việc quản lý người hâm mộ, nhất là khi số lượng lên tới cả vạn người là điều “thiên nan vạn nan” với ban tổ chức bất kỳ sân cỏ nào. Lịch sử giải chuyên nghiệp Quốc gia ghi nhận không ít vụ bạo loạn trên các khác đài, điển hình như các vụ “vỡ sân” Chùa Cuối năm 2003 (tên gọi cũ của sân Thiên Trường - Nam Định), sân Thanh Hóa (V.League 2007), sân Lạch Tray (V.League 2009). Rồi “sự cố” sân Thống Nhất ở V.League 2012; một năm sau đó đến lượt sân Vinh “náo loạn” vì khán giả. Còn chuyện người hâm mộ đất Cảng “thắp lửa” trên băng ghế cổ vũ có thể nói là: “Như cơm bữa”!

Điểm chung trong công tác an ninh đối với các trận đấu nói trên là lãnh đạo các địa phương đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng bởi họ ý thức rất rõ “độ nóng” khán đài, bắt nguồn từ yếu tố gay cấn, hấp dẫn trên sân cỏ. Lịch sử V.League từng xuất hiện hình ảnh 1.000 chiến sĩ công an, lực lượng bảo vệ lập thành “hàng rào sống” trên sân Lạch Tray. Tương tự như vậy là hàng trăm cán bộ an ninh dắt theo chó nghiệp vụ đứng dày đặc ở đường piste sân Thanh Hóa mùa giải 2007… Đấy đều là những bằng chứng khẳng định: Ban tổ chức các sân đã hết sức cố gắng để bảo đảm cho một trận bóng được diễn ra an toàn.

Song “quản lý trật tự” hoàn toàn khác với “quản lý phát ngôn”. Chúng tôi tin là không một nhà tổ chức nào dám khẳng định mình có thể kiểm soát được lời nói của hàng nghìn cổ động viên trên các khán đài V.League. Chính bởi vậy, trước khi trận cầu tâm điểm tại vòng 6 V.League 2023 diễn ra trên sân Hàng Đẫy, trong văn bản gửi Ban tổ chức, CLB Hải Phòng cũng chỉ dám cam kết không để pháo sáng xuất hiện (dù thực tế pháo sáng vẫn xuất hiện và “đỏ rực” khán đài) chứ không dám đảm bảo sẽ ngăn ngừa được việc người hâm mộ “phun châu nhả ngọc”.

Nói cách khác, việc khán giả lăng mạ trọng tài hôm ấy là sự cố ngoài ý muốn của Ban tổ chức sân Hàng Đẫy. Thậm chí, nếu lãnh đạo hai đội bóng (cũng như các CLB khác) “chào thua” trước hiện tượng khán giả chửi bới trọng tài thì đó vẫn là sự bất lực đáng được chia sẻ, cảm thông.

Khán giả Hải Phòng đốt pháo sáng trên sân.Không còn nghi ngờ gì nữa, những hành vi, phản ứng thiếu văn minh của một bộ phận khán giả Hải Phòng xứng đáng phải nhận án phạt. Nhưng cũng không thể phủ nhận thực tế là sự “máu lửa” của khán giả Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An,… đã đem lại bầu không khí sôi động cho V.League. Vậy nên không thể không đặt ra băn khoăn tương tự với VFF: Sao không tìm giải pháp hữu hiệu, phù hợp để khai thác “tài sản vô giá” này mà lại chọn cách hành xử qua loa, chiếu lệ, mang tính hình thức là “phạt vài chục triệu”?

Chẳng phải những án phạt kiểu này chẳng thể khiến căn bệnh mang tên “văn hóa cổ vũ” nơi khán đài “tiệt nọc” đó sao?

 

Bình luận

    Chưa có bình luận