Rái cá sông Gianh: Lá cờ đầu cho năm mới 'huy hoàng' của thể thao Việt Nam

'Tới ASIAD phải rút ngắn được xuống mốc 14 phút 50 nội dung 1.500m và 7 phút 47 nội dung 800m thì tôi có thể có HCV' - Huy Hoàng, chia sẻ về mục tiêu năm 2023.

 

Những kỷ lục tại Cung Thể thao dưới nước

Cung Thể thao dưới nước Mỹ Đình (Hà Nội) những ngày cuối năm 2022 diễn ra các nội dung chung kết môn bơi Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9. VĐV Nguyễn Huy Hoàng - kình ngư người Quảng Bình lại tạo sóng trên đường đua xanh, về nhất hai cự ly 1.500m, 800m tự do, đồng thời “xô đổ” kỷ lục 400m tự do do chính anh xác lập tại Đại hội Thể thao năm 2018, khi về đích với thời gian là 3 phút 50 giây 54 (kỷ lục cũ là 3 phút 50 giây 72).

Song những thành tích đó vẫn khiêm tốn so với bộ sưu tập hoành tránh mà “Rái cá sông Gianh” từng sở hữu tại SEA Games 31, cũng tại Cung Thể thao dưới nước. Trong ngày thi đấu cuối cùng của môn bơi SEA Games 31, ngôi sao Huy Hoàng tỏa sáng bằng hai chức vô địch. Đó là buổi tối 19/5/2022, khán đài 2.000 ghế của Cung Thể thao dưới nước Mỹ Đình, Hà Nội được lấp đầy và tất cả cùng vỡ òa sung sướng khi chứng kiến phong độ đỉnh cao của chàng trai 22 tuổi. Ở nội dung 800m tự do quy tụ 8 VĐV, Huy Hoàng và Kim Sơn sớm vươn lên dẫn đầu. Sau 8 vòng bể, Huy Hoàng về đích đầu tiên, Kim Sơn giành HCB, còn Hoe Yean Khiew của Malaysia giành HCĐ. Chỉ vài phút sau đó, Huy Hoàng gây bất ngờ lớn khi chiến thắng ở nội dung không phải sở trường 200m bơi bướm. Khoảng 150m đầu tiên, Huy Hoàng xếp thứ ba, sau 2 VĐV Yi Ong của Singapore và Navaphat của Thái Lan. Nhưng ở 50m cuối cùng, kình ngư Quảng Bình nước rút thần tốc để về nhất và khiến khán giả phấn khích tột độ. “Em thấy mình đã làm hết sức và em rất vui khi được cạnh tranh với đội bơi Singapore, là đội mạnh trong đấu trường Đông Nam Á. Chiến thuật của em là làm sao 100m đầu cố gắng bám chặt không để VĐV Singapore bỏ xa, để có thể bứt tốc lên ở những đoạn cuối” - Huy Hoàng lý giải về chức vô địch đầy bất ngờ ở cự ly ngắn.

Trên khán đài có một CĐV đặc biệt, đó là cha của Nguyễn Huy Hoàng, ông  Nguyễn Văn Vinh. Bố mẹ Huy Hoàng đã ra Hà Nội để cổ vũ con trai thi đấu. “Tôi cảm thấy quá tuyệt vời bởi vì Huy Hoàng đã giành chiến thắng tại SEA Games 31 tổ chức trên sân nhà. Tôi tự hào vì khán giả có mặt trên sân đã cổ vũ rất nhiệt tình cho cháu” - ông Nguyễn Văn Vinh bày tỏ.

Nội dung thi đấu đầu tiên của môn bơi SEA Games 31, cự ly 1.500m tự do, Huy Hoàng giành chiếc HCV đầu tiên cho Đội tuyển bơi Việt Nam. Và tất nhiên, anh toả sáng rực rỡ khi thi đấu 400m tự do, vượt qua một loạt đối thủ mạnh từ Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, rồi phá kỷ lục SEA Games 30 do anh lập ra. Với phong độ đỉnh cao, Huy Hoàng hoàn thiện bộ sưu tập 5 HCV ở các nội dung, gồm: 400m tự do (đồng thời phá kỷ lục SEA Games với kết quả 3 phút 48 giây 06); 800m tự do; 1.500m tự do; 200m bướm; tiếp sức 4x200m tự do (phá kỷ lục SEA Games 31 với tổng thành tích 7 phút 16 giây 31).

SEA Games 31, Huy Hoàng vinh dự cầm cờ cho Đoàn thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc.Gương mặt tiên phong của thể thao Việt Nam

 SEA Games 31, Huy Hoàng vinh dự cầm cờ cho Đoàn thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc. Bước vào thi đấu, Hoàng đã xuất sắc đoạt 5 HCV, được bầu chọn là 1 trong 4 VĐV xuất sắc nhất SEA Games 31. Theo nhà báo Hữu Bình, Trưởng ban biên tập Tạp chí Thể thao, Huy Hoàng đang nổi bật ở cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu 2022 và điều đó tiếp thêm sức bật cho kình ngư Quảng Bình ở hai giải đấu lớn sắp tới là SEA Games 32 và ASIAD 2023. “Bơi vẫn là môn mũi nhọn, môn Olympic của chúng ta. Tuy rằng VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên đã rút lui khỏi Đội tuyển Quốc gia, nhưng còn có một gương mặt nổi bật là Nguyễn Huy Hoàng. Ở Olympic Tokyo, cả hai nội dung chung kết Huy Hoàng tham dự đều không có VĐV châu Á nào lọt được vào. Niềm hy vọng Huy Hoàng ở kỳ ASIAD tới rất sáng” - nhà báo Hữu Bình nhận định.

Tại ASIAD 2018, Sun Yang giành HCV 1.500m tự do với thành tích 14 phút 58 giây 53. Chậm hơn 3 giây, Huy Hoàng về thứ hai. Việc Sun Yang bị cấm thi đấu dài hạn và vắng mặt ở Olympic Tokyo 2020 khiến Huy Hoàng trở thành tay bơi châu Á có thành tích tốt nhất ở các cự ly mà anh tham dự. “Với Huy Hoàng, việc vượt chuẩn Á và giành vé đến Olympic Tokyo là một thành tích đáng khen. Đây là một VĐV trẻ, rất có triển vọng. Tôi hy vọng Huy Hoàng còn cải thiện được thành tích cá nhân thêm nữa. Huy Hoàng có thể trạng hợp với những cự ly dài và có thể tiến thêm được nữa. Olympic là chuyện khác nhưng tầm châu Á rất khả quan” - chuyên gia Vũ Thị Sen, cựu vô địch bơi châu Á, đánh giá.

Huy Hoàng được xem là một trong những niềm hy vọng lớn nhất của thể thao Việt Nam tại đấu trường số 1 châu lục. Hơn 4 năm trôi qua sau ASIAD 2018, Huy Hoàng đã tập luyện rất nhiều để nâng cao trình độ. Trong năm 2022, Huy Hoàng được tạo điều kiện đi Hungary tập huấn dài hạn, có chuyên gia hướng dẫn những kỹ thuật mới giúp sức mạnh, sức bền tốt hơn, được thi đấu cọ xát nhiều hơn. Về thông số thành tích cụ thể, Huy Hoàng bày tỏ: "Tại SEA Games 31, tôi thi đấu 4 nội dung 200m, 400m, 800m, 1.500m tự do và mục tiêu là duy trì thành tích của mình là đủ. Nhưng tới ASIAD 2023 thì phải rút ngắn được xuống mốc 14 phút 50 nội dung 1.500m và 7 phút 47 nội dung 800m. Đối thủ chính của tôi tại ASIAD là 3 - 4 kình ngư rất mạnh của Trung Quốc, Nhật Bản. Tôi đã xem các thông số của họ và nhận thấy thành tích của họ không chênh lệch với tôi là bao. Đó là lý do tôi tự tin có thể tranh đua HCV”.

Tại SEA Games 31, VĐV bơi lội Nguyễn Huy Hoàng là người mang về nhiều thành tích nhất cho Đoàn thể thao Việt Nam với 4 HCV cá nhân, 1 HCV tiếp sức và phá 2 kỷ lục SEA Games 31. Theo thống kê của Đoàn thể thao Việt Nam, kình ngư Huy Hoàng là VĐV được thưởng nhiều nhất, với số tiền là 315 triệu đồng. Huy Hoàng là một trong 4 VĐV được xét tặng Huân chương Lao động hạng nhì năm 2022.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận