'Tự báo tử' sau khi rớt hạng

Chuyển động nơi hậu trường Sài Gòn FC một lần nữa lại gióng lên những hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ về mục tiêu, chiến lược của các CLB V.League sau khi rớt hạng.

 

Để có cái nhìn toàn diện về vấn đề này, hãy nhắc lại một chuyển động cuối mùa bóng V.League 2011. Hơn 10 năm trước, Nam Định rớt hạng và họ phải cần tới 6 năm để trở lại sân chơi cao nhất. Đáng kể hơn, đó lại là thành tích mà chưa đội bóng nào đạt được bởi dăm bảy mùa giải trở lại đây, những Đồng Tháp (2016), Long An (2017), Cần Thơ (2018) và Khánh Hoà (2019), kể từ khi rớt hạng đến nay vẫn “lóp ngóp” ở giải hạng Nhất.

Bi đát hơn nữa là với không ít tập thể, xuống hạng đồng nghĩa với… giải thể mà câu chuyện của HV.An Giang gần một thập kỷ trước là dẫn chứng điển hình. Kết thúc vòng 13 V.League 2014, trước băn khoăn của người hâm mộ về việc có hay không tiếp tục tham dự giải hạng Nhất quốc gia, Giám đốc điều hành là ông Võ Hoàng Phong đã tỏ ra lúng túng thật sự. Theo lời ông Phong thì do Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương (doanh nghiệp “đỡ đầu” đội bóng) đang đi công tác ở nước ngoài nên ngay cả lãnh đạo tỉnh An Giang cũng không thể biết được đội nhà sẽ… đi về đâu.

Ai cũng biết, để “nuôi” một đội bóng chuyên đòi hỏi ngân khoản hàng năm lên tới hàng chục tỉ đồng. Thêm nữa, với các tập thể “thường thường bậc trung” như HV.An Giang, chẳng có gì đảm bảo sau khi rớt hạng sẽ sớm giành vé lên chuyên nghiệp; và lên V.League rồi thì liệu có đủ lực để trụ lại hay tiếp tục “rớt đài”?... Lấy chính “đội bóng thành Nam” làm điểm quan sát. Trong ngày vui thăng hạng 5 năm trước, trước câu hỏi của báo giới: Tiền đâu để chơi V.League? “Thuyền trưởng” Nguyễn Văn Sỹ đã khiến tất cả sửng sốt khi thổ lộ: Cứ vui đã, kinh phí thì… tính sau! Nói cách khác, hành trang của “đội bóng thành Nam” khi trở lại sân chơi cao nhất làng cầu quốc nội lại là cái “két sắt rỗng” còn “đào” đâu ra mấy chục tỉ đồng để tồn tại thì đành… phó mặc cho số phận!

Sài Gòn FC

Trước hàng loạt vấn đề nan giải đặt ra, lãnh đạo đội bóng An Giang đã chọn giải pháp an toàn và “đỡ nhức đầu” là… giải thể CLB.

365 ngày sau là bi kịch tương tự của một đại diện bóng đá khác vùng sông nước Cửu Long: K.Kiên Giang. Có lẽ do nhận thức được đội nhà khá tương đồng với HV.An Giang cả về thực lực lẫn tiềm lực tài chính, đặc biệt là trong bối cảnh “hiện tại tối tăm - tương lai mù mịt” nên quyết định giải thể CLB K.Kiên Giang được đưa ra nhanh gọn hơn, quyết đoán hơn. Về phía cầu thủ lẫn người hâm mộ, do “tấm gương” HV.An Giang còn “sờ sờ ra đấy” nên cũng chẳng mấy ai bất ngờ.

Trở lại câu chuyện của Sài Gòn FC; như thừa nhận của huấn luyện viên trưởng Phùng Thanh Phương: Chỉ vài giờ sau khi xuống hạng, lãnh đạo CLB đã thanh lý hợp đồng với tất cả cầu thủ cũng như thành viên ban huấn luyện. “Các thành viên của Sài Gòn FC không liên lạc được với nhà tài trợ, đồng thời cũng không biết chắc đâu mới là đơn vị chủ quản thực thụ của mình!” - vị tướng trẻ họ Phùng ngậm ngùi.

Với thực trạng ấy, dẫu lạc quan đến mấy thì cũng chẳng ai dám tin vào ngày trở lại V.League của đội chủ sân Thống Nhất. Thậm chí, theo nhận định của nhiều chuyên gia, động thái thanh lý toàn bộ nhân sự của lãnh đạo tập thể này chính là tín hiệu báo dẫn cho việc “khai tử” CLB một ngày không xa.

Hẳn người hâm mộ vẫn chưa quên, trong ngày giải thể CLB, một vị lãnh đạo bóng đá An Giang khẳng định: Chỉ quay trở lại V.League khi tự chủ được về tài chính! Mà khái niệm “tự chủ tài chính” - với phần đông các CLB ở ta, là đích ngắm còn quá xa vời!

Điều đó có nghĩa, việc một đội bóng chuyên nghiệp ở Việt Nam chọn lối thoát “hậu xuống hạng” bằng cách “tự báo tử” xem ra sẽ còn tái diễn./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận