Nhìn lại giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2022: Nhiều 'điểm sáng' trên bức tranh

Khi tấm màn nhung của V.League 2022 khép lại cũng là thời điểm truyền thông, người hâm mộ cùng nhìn lại 26 vòng đấu ở giải chuyên nghiệp vô địch Quốc gia.

 

Mùa giải năm nay được coi là kịch tính, hấp dẫn đến phút chót; đồng thời ghi nhận sự bài bản, chu đáo, “vững tay chèo” trong công tác tổ chức!

Chuyển động đáng chú ý nhất của mùa giải năm nay là quả bóng chuyên nghiệp lăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn để lại những “dư chấn” hết sức nặng nề. Những vòng đấu đầu tiên có tới vài ba câu lạc bộ (CLB) phải đệ đơn xin hoãn do các ca nhiễm dịch “nổ” liên tiếp - đến mức không còn đủ quân số cho một đội hình. Chưa hết, V.League 2022 còn bị bấm lệnh “dừng” mất mấy tháng để tập trung cho Đội tuyển Quốc gia các cấp thực thi “nghĩa vụ quốc tế” tại SEA Games, AFC Champions League hay AFC Cup. Ấy thế nhưng, giải chuyên nghiệp vẫn diễn ra đúng lộ trình. Điều đó cho thấy sự kỹ lưỡng, bài bản của các nhà làm giải trong công tác tổ chức.

Ban tổ chức cũng cho thấy sự “dày dặn kinh nghiệm” khi mời các tổ trọng tài FIFA của Hàn Quốc, Malaysia hay Thái Lan điều hành một số trận đấu “nhạy cảm” (ảnh hưởng tới chức vô địch hoặc suất xuống hạng). Dĩ nhiên, cũng như một số mùa giải trước, dẫu trọng tại ngoại quốc không phải chính xác 100% trong các quyết định, nhưng những sai sót đều thuộc về “lỗi chuyên môn” (chứ không phải như một số “vua” nội bị áp “lỗi tư tưởng”) nên V.League 2022 đã “về đích an toàn” - không phải đối diện với những “lùm xùm”, “kiện cáo” lớn như trong quá khứ.

Một “điểm sáng” khác của V.League 2022 chính là sự kịch tính - ở cả hai cuộc đua: “Vô địch” và “tránh xuống hạng”; đặc biệt là ở nhóm “cầm đèn đỏ”. Nếu như tại V.League 2017, suất xuống hạng được xác định rất sớm và có sự chênh lệch rất lớn về điểm số giữa chủ nhân tấm vé lên “chuyến tàu ngược” về giải hạng Nhất với các đội còn lại: Đội đứng thứ 14 là Long An chỉ kiếm được 10 điểm, bị đội xếp trên là Cần Thơ bỏ xa tới 12 điểm; tương tự như vậy, mùa bóng 2016, Đồng Tháp xuống hạng chỉ với 8 điểm/26 trận, kém đội áp chót là Long An 11 điểm. Còn mùa bóng năm nay, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh phải chờ tới vòng đấu cuối mới có thể “thở phào nhẹ nhõm”. Đáng nói hơn, tập thể này chỉ hơn Sài Gòn FC (xuống hạng) vẻn vẹn 2 điểm. Cục diện nhóm cạnh tranh huy chương cũng gay cấn, khốc liệt không kém khi nhà đương kim vô địch Hà Nội FC liên tục phải chịu sự “kèn cựa”, bám đuổi của “đội bóng đất Cảng”. Thậm chí, có tới 6 vòng đấu (vòng 2, 3, 4, 5, 6 và 8), Hải Phòng FC còn “chễm chệ” trên đầu bảng xếp hạng.

Mùa giải năm nay được coi là kịch tính, hấp dẫn đến phút chót; đồng thời ghi nhận sự bài bản, chu đáo, “vững tay chèo” trong công tác tổ chức.

V.League 2022 còn ghi nhận lượng hình ảnh khán giả “chật cứng” trên các khán đài. Ngoài những “chảo lửa” truyền thống, đã trở thành thương hiệu của địa phương như sân Thiên Trường (Nam Định) hay Lạch Tray (Hải Phòng); mùa bóng năm nay gây ấn tượng mạnh khi nhiều vòng đấu, các sân: Hàng Đẫy (sân nhà của Hà Nội FC), Quy Nhơn (“thánh địa” của Topenland Bình Định) đã đón lượng khách kỷ lục. Nếu nói số lượng người hâm hộ là chiếc “hàn thử biểu” chính xác để đo chất lượng một giải đấu thì sẽ không là “ngoa ngôn” khi nói: V.League 2022 đã có sự cải thiện đáng kể, không chỉ về chuyên môn mà còn ở góc độ cơ sở vật chất (sau “cảnh báo” của Ban tổ chức, nhiều CLB đã cho chỉnh trang, nâng cấp mặt cỏ, khán đài).

Song, “ngọc còn có vết” - bên cạnh những gam màu tươi tắn, V.League 2022 vẫn còn không ít “sạn”.

Trước hết là vấn đề “nợ lương, thưởng” - diễn ra ở không ít hậu trường CLB. Thực tế ấy cho thấy, dẫu đã “lên chuyên” hơn hai thập kỷ nhưng nhiều đội bóng ở xứ ta vẫn bất lực trọng việc “lấy bóng đá nuôi bóng đá”. Đặc biệt là ở Sài Gòn FC, bất chấp việc đội nhà liên tục đối mặt với nguy cơ xuống hạng; có tới 2 ngoại binh ở đội bóng này đã lấy điều kiện “xỏ giầy vào sân” để gây sức ép, yêu cầu lãnh đạo CLB thanh toán tiền lương đúng hạn.

Bên cạnh đó, dù đã rất nỗ lực nâng cao năng lực các vị “vua áo đen” qua nhiều bận tập huấn, học tập song V.League 2022 vẫn xuất hiện nhiều tiếng còi “méo”. Vài ba “vua” thậm chí còn bị “treo còi”. Đáng nói hơn, “điểm đen” mang tên trọng tài tồn tại rất dai dẳng, mùa này sang mùa khác mà nếu không có “thuốc đặc trị” thì nó có thể sẽ trở thành hạn chế cố hữu, mang tính “đặc trưng” ở sân chơi “sang” nhất làng cầu quốc nội./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận