Kỷ lục gia Tiến Minh và lời giải cho bài toán kế tục

1 năm sau khi lập cột mốc 4 lần liên tiếp dự Olympic, Nguyễn Tiến Minh trở lại Nhật Bản để lập kỷ lục mới, đó là tham dự giải Vô địch thế giới nhiều lần nhất.

 

13 lần dự BWF World Championships

Tối 22/8, tại vòng 1 Giải Cầu lông Vô địch thế giới 2022, tay vợt nhiều tuổi nhất tại giải Nguyễn Tiến Minh chạm trán Wang Tzu Wei (hạng 16). Đã bước sang tuổi 39, thể lực không cho phép anh làm nên điều bất ngờ. Ngược lại, sức trẻ và chiều cao 1,78m cùng lối đánh giàu tốc độ, đặc biệt pha đập cầu có độ chính xác cực cao đã giúp tay vợt người Đài Bắc Trung Hoa thắng áp đảo với tỷ số 21-8 và 21-6 sau 2 sec đấu.

Đây là kỳ thứ ba liên tiếp Tiến Minh bị loại ngay vòng một, và cũng là lần đầu tiên anh rời giải mà không thắng hiệp nào. Trong năm 2019 và 2021, anh lần lượt thua Lin Dan 21-16, 12-21, 12-21 rồi Hans-Kristian Vittinghus 16-21, 23-21, 10-21 đều ở vòng một.

Dù phải dừng bước, nhưng Tiến Minh vẫn lập kỷ lục thế giới, đó là 13 lần dự BWF World Championships, vượt qua thành tích 12 lần góp mặt của Lin Dan. Trong 13 kỳ tham dự giai đoạn 2005-2022, Tiến Minh có 3 lần bị loại ở vòng hai, 4 lần thua vòng ba, một lần vào tứ kết và một lần đoạt Huy chương Đồng năm 2013.

Tiến Minh, ở tuổi 39, vẫn là tay vợt xuất sắc nhất mà cầu lông Việt Nam có được cho đến thời điểm hiện tại. Từng đứng hạng 5 thế giới, lập kỷ lục là ngôi sao thể thao Việt Nam 4 lần liên tiếp tham dự Olympic và vô số những chức vô địch quốc tế, Tiến Minh góp công lớn đưa cầu lông nước nhà tạo dấu ấn trên bản đồ cầu lông thế giới. Nhưng gần như chắc chắn, chuyến đi Nhật Bản này là lần cuối tay vợt sinh năm 1983 dự giải Vô địch thế giới, thậm chí là các đấu trường quốc tế. Lần lượt vào các năm 2019 và 2020, cả hai huyền thoại cầu lông thế giới là Lee Chong Wei và Lin Dan đều tuyên bố giã từ sự nghiệp ở tuổi 37. Trong khi đó, một Tiến Minh đã 39 tuổi vẫn có màn thể hiện đáng kinh ngạc ở bán kết SEA Games 31 vừa qua, khi thi đấu sòng phẳng với nhà đương kim vô địch thế giới 2021 và đang giữ hạng 10 thế giới Loh Kean Yew (Singapore). Sau khi để thua 15-21 ở sec 1, Tiến Minh thắng áp đảo 21-10 sec 2 và chỉ để thua sít sao 21-23 ở séc 3 quyết định. Tiến Minh còn có pha cầu bền lên tới 91 chạm với Loh Kean Yew và là người thắng tình huống này.

Ở tuổi 39, Tiến Minh vẫn là tay vợt xuất sắc nhất mà cầu lông Việt Nam có được cho đến thời điểm hiện tại. Trăn trở lớp kế cận

Tiến Minh cho biết, anh muốn mang tinh thần và quyết tâm thi đấu giống như trước Loh Kean Yew đến giải Vô địch thế giới. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là việc giữ phong độ ổn định bởi anh cũng không thể cứ thường xuyên bỏ tiền túi ra tự túc đi giải quốc tế. Từ chuyện xuất ngoại, Tiến Minh cũng trăn trở về sự tiến bộ của lứa tay vợt kế cận, gồm cả hai gương mặt mà anh đánh giá rất cao là Nguyễn Hải Đăng và Lê Đức Phát: “Hai bạn này rất chịu khó đầu tư và đi thi đấu nước ngoài nhiều nhưng tôi vẫn muốn các bạn ấy được thi đấu quốc tế nhiều hơn. Ở nước ngoài, 15, 16 tuổi VĐV đã thi đấu quốc tế liên tục, 18 – 20 tuổi là bắt đầu có bước tiến bộ vượt bậc. Còn ở Việt Nam, nhiều VĐV thi đấu tốt nhưng ít được thi đấu quốc tế quá”.

Tay vợt sinh năm 2000 Nguyễn Hải Đăng được mệnh danh là “Momota Việt Nam” do có phong cách và lối chơi khá giống với tay vợt số 1 thế giới người Nhật Bản, Kento Momota. Trong khi đó, tay vợt sinh năm 1998 Lê Đức Phát có phần nổi bật hơn, tiến bộ không ngừng để trở thành một trong những tay vợt hàng đầu Quốc gia. Tuy nhiên, Lê Đức Phát (top 200 thế giới) có thể thắng Tiến Minh ở giải Vô địch Quốc gia, nhưng mỗi khi ra nước ngoài tranh tài, lại thất bại trước các tay vợt xếp hạng thấp hơn 300 thế giới. Tại nội dung đồng đội nam SEA Games 31 vừa qua, Tiến Minh cũng là tay vợt Việt Nam duy nhất thắng trận. Điều này phản ánh đúng câu nói của Tiến Minh về những người đàn em, cao lớn hơn, phản xạ tốt hơn, nhanh hơn và mạnh hơn, nhưng luôn thiếu “một cái gì đó” để tiến ra vũ đài thế giới. So với lực lượng thế giới thì cầu lông Việt Nam để có người đánh tốt trên trường quốc tế là khó, thực sự rất tốn tiền, cần được đầu tư một cách nghiêm túc. Đi tập huấn, tìm quân xanh, ăn uống, mọi thứ, nói chung rất tốn kém với VĐV” - tay vợt Vũ Thị Trang, vợ của Tiến Minh, nêu quan điểm.

Nhận xét về Hải Đăng và Đức Phát, Tiến Minh khẳng định cả hai gương mặt này có sự tiến bộ rất mạnh mẽ, quan trọng là không bị áp lực. Họ phải được tạo điều kiện tập luyện, thi đấu cọ xát không ngừng, bởi cầu lông quốc tế phát triển rất nhanh. Thời điểm này, họ cần phải thi đấu ít nhất 10 giải quốc tế liên tiếp để xem sự tiến bộ, trình độ và bản lĩnh tại sân chơi lớn ra sao./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận