Rất gần và cũng… rất xa!

Cơ hội cho'Đội tuyển Việt Nam giành vé tới ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh' bỗng trở nên 'rôm rả' hơn bao giờ hết.

 

Những ngày này, câu chuyện Liên đoàn Bóng đá thế giới thay đổi thể thức thi đấu World Cup 2026: Mở rộng số đội tham dự lên 48 đội tuyển quốc gia, theo đó, số suất giành cho châu Á cũng tăng lên 8,5. Đây là cơ hội cho Đội tuyển Việt Nam.

Kẻ mừng, người bảo “chớ mơ cao” - khiến giấc mơ của hàng triệu tín đồ túc cầu giáo nước nhà cứ chấp chới giữa hai bờ hư - thực!

Để có cái nhìn toàn diện về việc “hiện thực hóa” giấc mơ World Cup, hãy nhắc lại lộ trình vô cùng gian nan của “người Thái”.

Hơn một thập kỷ trước, trong dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Liên đoàn Bóng đá Thái Lan, các quan chức bóng đá nước này đã tuyên bố kế hoạch để có thể giành suất dự Vòng chung kết World Cup 2010 ở Nam Phi. 4 năm sau, bóng đá Thái Lan sản sinh thêm một thế hệ trẻ tài năng, người Thái lại mơ về sân chơi hấp dẫn nhất hành tinh song chiến tích lớn nhất của “bầy Voi” chỉ là lọt tới vòng loại thứ 3 World Cup 2018.

Điều đáng nói là hành trình đến World Cup của Thái Lan không phải mục tiêu mang tính “chộp giật”, kiểu như “tiện tay dắt dê” mà họ đã có sự chuẩn bị vô cùng công phu và tốn kém: Những cầu thủ trẻ được gửi sang Anh để học tập, rèn luyện; trên đất Thái, có sự hiện diện của các HLV danh tiếng thế giới như Peter Reid, Bryan Robson… Hai lần lỗi hẹn World Cup không hề khiến người Thái nhụt chí mà còn cho họ thêm quyết tâm để viết tiếp giấc mơ dang dở. Từ trước khi FIFA có chủ trương “mở rộng” World Cup (lên 48 đội), một lộ trình dự World Cup 2026 đã được trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao Thái Lan và như tiết lộ của một quan chức bóng đá Thái, chiến lược này “ngốn” của họ khoảng 22 triệu USD.

Làng bóng nước nhà có mơ về World Cup không?

Xin trả lời ngay rằng “có”, thậm chí, chúng ta đã nhiều lần nhắc đến sân chơi danh giá này. Chẳng phải từ thời điểm Học viện Bóng đá của bầu Đức trình làng lứa cầu thủ trẻ: Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh,… cùng lối chơi hoa mỹ nhưng không kém phần hiệu quả; Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) lúc đó là ông Lê Hùng Dũng đã đăng đàn hồ hởi: Cứ thế này thì chuyện lọt vào vòng chung kết World Cup không phải “điệp vụ bất khả thi” sao?

Cơ hội cho“Đội tuyển Việt Nam giành vé tới ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh” bỗng trở nên “rôm rả” hơn bao giờ hết. Đặc biệt hơn nữa là sự kiện huấn luyện viên Park Hang Seo đưa Đội tuyển Việt Nam lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022, dẫu chẳng mấy lạc quan nhưng người hâm mộ vẫn tự nhủ: Biết đâu sẽ có phép màu!

Nhưng rồi chẳng có bà tiên với đôi đũa thần nào, lấy cuộc chạm trán với Nhật Bản ngay tại chảo lửa Mỹ Đình làm điểm quan sát. Chúng ta nhập cuộc lấn lướt nhưng nền bóng đá số 1 châu lục đã nhanh chóng ổn định được thế trận, và đáng nói hơn, dù là tranh chấp, đua tốc độ hay tận dụng tình huống, thể hình, kỹ thuật… thì “người Nhật” vẫn cho thấy, họ hơn hẳn về đẳng cấp.

Thực tế ấy cho thấy, cái gọi là “mục tiêu World Cup” của chúng ta dường như mới chỉ dừng ở góc độ… “nước đến đâu bắc cầu đến đấy”! Thành tích mà thày trò HLV Park Hang Seo giành được ở khu vực, châu lục trong những năm qua nhiều phần mang tính thăng hoa nhất thời chứ chưa biểu thị cho một chiến lược hay là kết quả của sự đầu tư bài bản nào cả. Nói cách khác, chúng ta mới chỉ “nghĩ đến World Cup”! Thậm chí có thể nói, so với Thái Lan, sự chuẩn bị của chúng ta còn chưa “thấm” vào đâu!

Đương nhiên, hơn ai hết, VFF rất hiểu thực lực của làng bóng nước nhà, vậy nên mới có nghịch lý: Khi khán giả, cộng đồng mạng không ngừng “sôi sục” thì các quan chức Liên đoàn vẫn “im thin thít” và “lặn mất tăm” - không bày tỏ quan điểm, cũng chẳng hứa hẹn gì.

Không thể không thừa nhận, sự kiện World Cup 2026 thay đổi thể thức thi đấu là tiền đề rất cần thiết để các quan chức bóng đá nước nhà, từ giai đoạn “nghĩ đến” sẽ tiến thêm một bước: “Lên lộ trình dự World Cup” - dẫu từ khâu “chuẩn bị” đến lúc đạt được là cả một hành trình dài và chưa chắc đã toại nguyện.

Nhưng phải có lộ trình thì mới kéo gần được mục tiêu World Cup!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận