Liên quan đến vụ việc cổ động viên Hải Phòng lăng mạ trọng tài ở vòng 8 V.League 2022 và phải nhận án phạt cấm khán giả 1 trận trên sân nhà, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã bác đơn khiếu nại của Ban lãnh đạo đội chủ sân Lạch Tray.
Nội dung bác đơn nêu: “Trưởng Ban giải quyết khiếu nại quyết định giữ nguyên nội dung Quyết định số 319/QĐ-LĐBĐVN ngày 21/7/2022 của Ban Kỷ luật LĐBĐVN về việc kỷ luật CLB bóng đá Hải Phòng, trong đó có án phạt buộc thi đấu 1 trận trên sân nhà không có khán giả” (trích thông báo của VFF).
Để có cái nhìn toàn diện về hành vi “lăng mạ trọng tài”, cần nhắc lại một số chuyển động từng xảy ra ở sân cỏ cả nước trong quá khứ. Hẳn người hâm mộ vẫn chưa quên màn “phun châu nhả ngọc” của cầu thủ Ngọc Tùng trong trận đấu giữa Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội - Tp Hồ Chí Minh tại vòng 8, giải hạng Nhất quốc gia 2011. Cho rằng “vua sân cỏ” Nguyễn Văn Kiên thổi ép đội nhà, Ngọc Tùng ngay lập tức chỉ tay vào mặt trọng tài Kiên và… tuôn ra một tràng. Còn trước đó một mùa giải, ngôi sao “sáng” nhất của làng cầu quốc nội là tiền đạo Lê Công Vinh đã có màn vái lạy “không tiền khoáng hậu” với trọng tài Vũ Bảo Linh do không phục quyết định của vị “vua áo đen” trong tình huống bóng ra biên ở vòng 6 V.League 2010.
Cần phải nói ngay rằng, nếu những màn “đối thoại thiếu văn hóa” giữa cầu thủ và trọng tài thường chỉ là chuyện riêng giữa hai người thì cũng không khó để Ban tổ chức ra án phạt. Trong số các lãnh đạo Liên đoàn thời điểm ấy, không ít người rất “cưng” Lê Công Vinh song chân sút người Nghệ An vẫn phải nhận phán quyết rất nghiêm khắc: Treo giò 6 trận (sau giảm xuống còn 3 trận). Tương tự như vậy, ở mùa giải 2012, sau pha vào bóng thô bạo với đối phương, ngoại binh Samson Kpennosen (B.Bình Dương) đã phải nhận thẻ đỏ. Mà nào đã hết? Trước những lời lẽ khiếm nhã của Kpennosen dành cho trọng tài Phùng Đình Dũng, VFF tiếp tục treo giò anh này 3 trận cùng số tiền 10 triệu đồng.
Song phạt theo kiểu “đánh đồng”, “phạt đám đông” thì lại là chuyện khác. Hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự trọng tài Hoàng Ngọc Hà ở vòng 8 V.League 2022 chỉ được thực hiện bởi một cá nhân (và cũng phải nhận phán quyết rất nghiêm khắc từ VFF: cấm đến các sân vận động thuộc hệ thống giải đấu do VFF tổ chức trong 3 năm). Ấy thế nhưng, tất cả người hâm mộ chân chính của “đội bóng đất Cảng” đều bị tước bỏ nhu cầu thưởng thức bóng đá. Điều này có nghĩa, nhiều cá nhân không liên quan đã bị phạt oan.
Không còn nghi ngờ gì nữa, những phản ứng thiếu văn minh của một bộ phận khán giả Hải Phòng xứng đáng bị xử phạt nhưng cần có sự phân biệt, tách bạch rõ rệt giữa “cá nhân” và “tập thể” sao cho “đúng người đúng tội”!
Chưa nói đến việc “cấm cửa” khán giả vô tình sẽ kìm hãm sự phát triển bóng đá ở một địa phương, nhất là trong bối cảnh Hải Phòng là một trong không nhiều CLB chuyên nghiệp ở ta có nguồn thu dồi dào từ tiền bán vé./.