'Tài sản' gây rắc rối!

Cụm từ 'hooligan đất Cảng' tiếp tục trở thành nỗi ám ảnh của làng cầu quốc nội khi pháo sáng vẫn được thắp lên ở khu vực khán đài dành cho Hải Phòng.- FC.

 

Hình ảnh cổ động viên Hải Phòng “thắp lửa” trên khán đài sân Vinh diễn ra ở phút thứ 67 vòng 9 V.League 2022 (ngày 23/7/2022) và Ban Kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cũng lập tức chứng tỏ sự nghiêm khắc khi tuyên phạt đội chủ nhà Sông Lam Nghệ An 15 triệu đồng do không kiểm soát tốt khán đài. Bên cạnh đó, do pháo sáng được đốt ở khu vực dành riêng cho khán giả đội khác nên câu lạc bộ (CLB) Hải Phòng cũng phải nhận án phạt tương tự.

Để có cái nhìn toàn diện về hiện tượng này cũng như nỗ lực ngăn chặn và “đẩy lùi pháo sáng” của các quan chức sân cỏ quốc nội, hãy nhắc lại tâm tư của cựu Trưởng Ban kỷ luật VFF - Nguyễn Hải Hường cách đây hơn một thập kỷ. Ngày còn “sắm vai Bao Công”, ông Hường đã hơn một lần bày tỏ sự lúng túng mỗi bận… ném lệnh bài, xuất phát từ nghịch lý: án nhẹ thì sợ “con bệnh”… nhờn thuốc còn phạt nặng sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng đến phong trào của một địa phương! Nhưng rồi trước áp lực từ khán giả, và đặc biệt là hành vi “nổi lửa” của một nhóm khán giả Hải Phòng cứ lặp đi lặp lại, Ban tổ chức đã buộc phải “tuyên chiến”: Vòng 6 mùa giải 2017, do có CĐV gây rối, đội bóng này đã phải thi đấu mà không có sự ủng hộ của khán giả nhà ở trận đấu tiếp. 8 vòng đấu sau, “đội bóng đất cảng” thậm chí còn phải nhận án phạt kỷ lục: “Cấm khán giả đến sân khách tới hết giải” mà nguyên nhân không gì khác ngoài chuyện để khán giả trút cơn mưa “vật thể lạ” xuống sân cỏ. Và đỉnh điểm là lệnh cấm khán giả Hải Phòng cổ vũ trên sân khách có tổ chức tại mùa bóng 2009.

Dĩ nhiên, sau mỗi án phạt, ngoài việc phải chịu những tác động xấu về hình ảnh, thương hiệu… tập thể đóng đại bản doanh tại thành phố Hoa phương đỏ còn thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế, cả ở phương diện tiền phạt cho Ban Kỷ luật lẫn nguồn thu từ tiền bán vé.

Nhìn rộng ra cả V.League thì không chỉ Hải Phòng mà nhiều CLB chuyên nghiệp khác cũng dính họa từ khán giả. Đơn cử như đội bóng bên bờ sông Mã - ngay trong lần đầu tiên đội nhà được chơi ở giải chuyên nghiệp, khán giả xứ Thanh đã làm “vỡ” sân vận động tỉnh. Ở trận đấu với SHB Đà Nẵng (vòng 6 - V.League 2007), hai khán đài sân Thanh Hóa với sức chứa khoảng hơn vạn người đã phải gồng mình “đỡ” tới gần 2 vạn “thượng đế”. Người hâm mộ trèo qua hàng rào sắt và tràn xuống cả đường piste, đứng cách thảm cỏ chừng… 1 mét. Trận đấu đã diễn ra trong sức ép ghê gớm mà sau này, một cầu thủ SHB Đà Nẵng đã thú nhận: Luôn cảm thấy không an toàn! Đương nhiên sau đó Ban tổ chức giải đã “khai đao”: xử phạt CLB Thanh Hóa thua 0-3 cùng số tiền 20 triệu đồng.

Hình ảnh cổ động viên Hải Phòng “thắp lửa” trên khán đài sân Vinh diễn ra ở phút thứ 67 vòng 9 V.League 2022 (ngày 23/7/2022).Không thể phủ nhận: nếu không vướng phải những rắc rối ngoài ý muốn thì chính sự cuồng nhiệt của “cầu thủ thứ 12” đã là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp “đội bóng đất Cảng” hay Thanh Hóa FC có thể cạnh tranh sòng phẳng ở sân chơi chuyên nghiệp. Sức lan tỏa của “ngọn lửa thiêng” trên khán đài đã được lãnh đạo CLB bóng đá Thanh Hóa ghi nhận, thậm chí chạy thành một biểu ngữ dọc khán đài A: “Tài sản lớn nhất của câu lạc bộ là người hâm mộ”.

Hơn lúc nào hết, người hâm mộ Hải Phòng, Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung cần hướng đến những hình thức cổ vũ văn minh để xứng đáng là “tài sản quý nhất”, góp phần tạo nên một thương hiệu đẹp về sự nhiệt tình, đam mê./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận