'Dọa' bỏ giải: Chuyện 'thật như đùa' ở bóng đá khu vực!

Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) 'đe dọa' sẽ rút khỏi Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) do không nhận được phán quyết từ AFF..

 

Theo quan điểm của PSSI, tỉ số chung cuộc 1-1 giữa hai tập thể: U19 Việt Nam và U19 Thái Lan (vừa đủ để chủ nhà U19 Indonesia phải dừng bước tại vòng bảng) là bất bình thường, “có mùi khét” nên “người Indonesia” đã đâm đơn khởi kiện. Chưa dừng lại ở đó, những phát ngôn mới nhất của các quan chức PSSI còn khẳng định: Nếu không nhận được lời giải thích thỏa đáng, túc cầu giáo Indonesia trong tư thế thành viên sẽ rút khỏi AFF!

Ấn tượng đầu tiên của nhiều khán giả cả nước trước phản ứng rất gay gắt của PSSI là cảm thấy… phì cười và ngán ngẩm; bởi nhiều năm qua, chúng ta đã quá quen với việc lãnh đạo một đội bóng “dọa bỏ giải”. Ở V.League, những bầu Thụy (Xuân Thành Sài Gòn), bầu Trường (The Vissai Ninh Bình), bầu Long (Hòa Phát Hà Nội), bầu Quyết (FLC Thanh Hóa)… Thậm chí là cả cựu Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - cũng là ông bầu “đội bóng phố Núi” Pleiku đã hơn một lần đăng đàn, dọa sẽ “bỏ cuộc chơi”.

Điểm chung của những lời “dọa bỏ giải” này chính là sự bất đồng quan điểm giữa ông bầu với công tác tổ chức, điều hành V.League. Đó có thể xuất phát từ một bàn thắng mà đội bóng nọ cho rằng “bị ép”, cũng có thể là một án phạt khiến nạn nhân ấm ức và họ chọn cách dọa “bỏ ngang” để gây sức ép với đơn vị tổ chức. Chưa hết, theo nhận định của nhiều chuyên gia, công tác điều hành bóng đá ở xứ ta (cả ở góc độ xếp lịch thi đấu lẫn sắp xếp, bố trí nhân sự, rồi khen thưởng - kỷ luật…) có quá nhiều bất cập và đó chính là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” khiến chuyện “dọa bỏ giải” diễn ra… như cơm bữa.

U19 Việt Nam gặpU19 Thái Lan ở giải U19 Đông Nam Á 2022.

Câu chuyện của PSSI tại giải U19 Đông Nam Á 2022 cũng không ra ngoài kịch bản này: Cho rằng “người Việt” và “người Thái” đã bắt tay nhau, ấm ức vì AFF chậm hồi đáp,… lãnh đạo PSSI thậm chí còn vạch sẵn lộ trình: Sau khi “tẩy chay” AFF sẽ xin gia nhập Liên đoàn bóng đá Đông Á, nơi quy tụ những đội bóng hàng đầu châu lục, sân chơi mà Indonesia “không có cửa” để ganh đua: Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên…

Trên thực tế, để thụ lý đơn kiện (về diễn biến một trận bóng) và đưa ra kết luận cuối cùng không chỉ cần tuân thủ quy trình mà còn mất rất nhiều thời gian cho các công đoạn: thu thập thông tin, “mổ băng”, họp chuyên môn… Vì vậy, việc PSSI phàn nàn AFF “chậm phản hồi” (đồng thời lấy chuyện rút khỏi các giải bóng đá Đông Nam Á để gây sức ép) chưa hẳn đã nhận được sự đồng tình từ dư luận. Song, dẫu tiến độ xử lý đơn kiện của Liên đoàn bóng đá Indonesia có chậm thật đi chăng nữa thì cũng rất khó đồng tình với các quan chức PSSI khi họ sử dụng đội tuyển quốc gia (và các tuyến trẻ khác) như một dạng “con tin” để gây sức ép. Với các quốc gia trong khu vực (cũng như trên thế giới), đội tuyển bóng đá còn mang ý nghĩa như một thứ “tài sản chung”, là niềm vui, tự hào, háo hức của hàng triệu khán giả nước nhà, mặc dù trên giấy tờ, nó được tổ chức, điều hành bởi một vài cá nhân. Vậy nhưng người ta vẫn lấy nó để gây sức ép sau một nhận định chủ quan về chuyên môn (ở đây là việc PSSI cho rằng U19 Việt Nam và U19 Thái Lan đã chơi thiếu lửa, cầm chừng để đưa trận đấu về kết quả có tỉ số hòa chung cuộc).

Nói cách khác, chỉ cần là một khán giả chân chính thì chẳng ai có thể đồng tình với “lời hăm dọa” của PSSI bởi nó biểu thị sự nghiệp dư, không vì cái chung, thậm chí có thể nói là những phát ngôn thiếu tôn trọng giải đấu, khán giả; không mang tính xây dựng./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận