Gian nan tìm sân chơi cho đội tuyển U23 Việt Nam

Theo lộ trình, số lượng đội tuyển U23 châu Á được quyền tham dự Olympic Paris 2024 được tăng lên 3,5 suất.

 

Vài ngày trước, làng túc cầu giáo quốc nội đã có một phen “xôn xao” khi Phó chủ tịch NutiFood - ông Lê Nguyên Hoà cho biết sẵn sàng “bao trọn gói” đội tuyển U23 Việt Nam để U23 Quốc gia trở thành “thành viên không chính thức” của giải chuyên nghiệp trong 3 mùa bóng liên tiếp (từ V.League 2022 - 2024).

“Bao trọn gói” gồm tiền lương cho HLV Gong Oh Kyun cùng các chi phí di chuyển, ăn nghỉ, tập luyện… Theo lộ trình, số lượng đội tuyển U23 châu Á được quyền tham dự Olympic Paris 2024 được tăng lên 3,5 suất. Bên cạnh đó, với những đổi thay mạnh mẽ về thể thức thi đấu, châu Á sẽ có tới 8 suất dự World Cup 2026. Cứ theo lý này mà suy thì bóng đá Việt Nam (từng lọt vào trận Chung kết giải U23 châu Á 2018, vòng loại thứ Ba World Cup 2026) hoàn toàn có thể “mơ cao, mơ xa”. Mà để có thể hiện thực hóa giấc mơ góp mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh thì ngay từ lúc này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cần có những chiến lược đúng đắn và dài hơi đối với bóng đá trẻ. Ở đây là đội tuyển U23 Việt Nam và một trong những vấn đề cần giải quyết “ngay và luôn” là tạo điều kiện cho các học trò của HLV Gong Oh Kyun được cọ sát liên tục ở các sân chơi đủ độ khắc nghiệt.

Sân chơi cho bóng đá trẻ, từ lâu đã là vấn đề rất được VFF quan tâm. Điển hình như mùa bóng 2013, quyết tâm “trẻ hóa V.League” của Liên đoàn được biểu thị bằng yêu cầu các CLB phải có ít nhất 3 cầu thủ dưới 23 tuổi trong danh sách đăng ký trước mỗi trận đấu. Nhưng oái oăm thay, với các đội bóng ở ta, “có tên trong danh sách đăng ký” là một chuyện, còn “xỏ giày vào sân” thì lại là chuyện khác. Áp lực trụ hạng hoặc thành tích khiến đa số CLB chuyên nghiệp đều không muốn trao cơ hội cho cầu thủ U23 và giải pháp để “lách luật Liên đoàn” chẳng khó khăn gì: Mỗi trận đấu vẫn đăng ký hơn 3 cầu thủ trẻ nhưng vị trí của họ chỉ là… băng ghế dự bị.

Những “chiêu trò” kiểu này khiến yếu tố kinh nghiệm vẫn luôn là hạn chế của U23 Việt Nam nếu so với các đối thủ đồng trang lứa ở châu lục. Lấy dẫn chứng từ chính giải U23 châu Á 2022 vừa kết thúc cách đây chưa lâu. So với U23 Ả Rập Xê Út với gần 900 trận đá chuyên nghiệp (cũng chính là tập thể đã khiến thầy trò HLV Gong Oh Kyun phải dừng bước ở Tứ kết) thì số trận thi đấu chính thức của U23 Việt Nam rất “khiêm tốn”: 185. Thậm chí, ngay cả với U23 Thái Lan, dẫu bị loại từ vòng bảng nhưng số trận đá chuyên nghiệp của các “tiểu tướng Thái” cũng vượt xa U23 Việt Nam (506 trận chuyên nghiệp).

Và chính sự chênh lệch rất đáng kể ấy mà NutiFood (một thương hiệu đã có không ít lần tài trợ cho sân cỏ nước nhà) đã nảy ra ý tưởng “gửi” U23 Việt Nam vào V.League. Trao đổi với báo giới, ông Lê Nguyên Hoà giải thích kỹ hơn, đại ý: Do số lượng đội bóng chuyên nghiệp chỉ là 13, có nghĩa mỗi lượt trận V.League sẽ có một đội không thi đấu và tập thể này sẽ đá giao hữu với U23 Việt Nam. Kết quả cuối cùng không ảnh hưởng đến thứ tự trên bảng xếp hạng V.League hằng tuần nhưng chí ít thì U23 Việt Nam sẽ được cọ sát thường xuyên.

Sân chơi cho bóng đá trẻ, từ lâu đã là vấn đề rất được VFF quan tâm.Theo nhận định của nhiều chuyên gia thì đây là ý tưởng rất sáng tạo và quan trọng hơn là nếu được thông qua sẽ giải quyết được các vấn đề: “Thi đấu thường xuyên”, “tích lũy kinh nghiệm” cho U23 Việt Nam. Cũng cần nói thêm là trong hơn nửa năm tới, theo lộ trình của VFF thì đội tuyển U23 Quốc gia sẽ không tham dự bất kỳ giải đấu chính thức nào. Song, như phân tích của cựu HLV trưởng U20 Việt Nam - Hoàng Anh Tuấn thì ý tưởng này rất khó khả thi” bởi: Với một số đội bóng đang thi đấu ở V.League thì các cầu thủ hiện thuộc biên chế U23 Việt Nam nhưng cũng là trụ cột ở CLB, liệu họ có chấp nhận “nhả quân” hay không? Quan trọng hơn, danh sách U23 Việt Nam rải đều ở cả 13 đội V.League và 12 CLB hạng Nhất. Liệu có thể cùng lúc có được 25 “phiếu thuận”, chấp nhận cho đội tuyển “mượn quân” từ CLB? Rồi vấn đề lương cầu thủ, đền bù khi chấn thương,… đều cần một thỏa thuận rõ ràng, chi tiết giữa… 26 bên (VFF và 25 CLB).

Nói cách khác, ý tưởng đưa U23 Việt Nam trở thành thành viên “bán chính thức” của V.League dẫu hay, dẫu táo bạo và không kém phần sáng tạo nhưng mức độ khả thi không lớn, đồng nghĩa câu chuyện tìm cơ hội cọ sát cho đội tuyển U23 Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức và còn rất gian nan!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận