Ngô Anh Vũ đã đánh trọng tài trong trận đấu giữa CLB Bình Thuận và CLB Hải Nam Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc trên sân Nha Trang chiều ngày 8/6 tại giải Hạng nhì Quốc gia 2022,
Bàn về chuyện của Ngô Anh Vũ, không thể không nhắc lại một chuyển động rất đáng chú ý, diễn ra cách đây 4 năm, liên quan đến cầu thủ Nguyễn Tăng Tiến của CLB Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Tăng Tiến chính là người đã có pha vào bóng rất bạo lực với Duy Mạnh của Hà Nội FC ở lượt trận thứ 3 mùa giải 2018. Tuy nhiên, trước khi Liên đoàn tiến hành “mổ băng” và đưa ra án kỷ luật thích đáng (treo giò 5 trận, nộp phạt 25 triệu đồng), cầu thủ này đã bị chính “người nhà” - ông bầu của đội bóng phố Núi quyết án “treo giò đến hết lượt đi”.
Hành động của ông Đoàn Nguyên Đức đã nhận được sự hoan nghênh, đồng tình của đông đảo người hâm mộ cả nước. Trao đổi với báo giới, bầu Đức cho rằng: Đạo đức cầu thủ, bạo lực sân cỏ chính là một trong những “điểm đen” khiến khán giả ngày càng thờ ơ với giải đấu cao nhất quốc nội, do đó cần phải loại bỏ. Theo nhận định của các chuyên gia, việc bầu Đức “xử người nhà” không chỉ có ý nghĩa thức tỉnh những kẻ theo nghiệp “quần đùi áo số” đang hành nghề ở cao nguyên Pleiku mà còn là tấm gương sáng để các huấn luyện viên, ông bầu khác ở V.League soi vào.
Trở lại chuyện của Ngô Anh Vũ, ở phút 33, hậu vệ này đã có pha xoạc bóng thô bạo với cầu thủ của đối phương và bị trọng tài rút ra tấm thẻ vàng thứ 2 (thẻ đỏ gián tiếp). Không đồng tình với quyết định này, Ngô Anh Tuấn đã dùng… nắm đấm để phản ứng - nhằm vào giữa mặt trọng tài và… “tung chưởng”. Sự việc căng thẳng, mất kiểm soát đến mức lực lượng an ninh đã phải vào sân để làm dịu tình hình.
Chưa hết, cũng “nhanh nhẹn” như bầu Đức, chỉ một ngày sau hành động “phi thể thao” xảy ra, trao đổi với truyền thông, lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Thuận khẳng định: Sẽ tiến thành thanh lý hợp đồng với Ngô Anh Vũ.
Dĩ nhiên, chuyện một đội bóng quốc nội chủ động “tự xử” (trước khi Ban kỷ luật “khai đao”) vẫn có hơn một cách giải thích. Có người bảo đó chỉ là giải pháp “xoa dịu” khán giả nên “án nội bộ” thường thấp hơn “án Liên đoàn”. Cũng có kẻ cho rằng đó thực chất là “định hướng” cho VFF, “vẽ đường” để Ban Kỷ luật cứ thế áp theo. Nhưng lần này, với bản án “kịch khung” của lãnh đạo bóng đá Bình Thuận, có thể nói cầu thủ sinh năm 1989, từng chơi ở V.League ba mùa giải cho CLB Sài Gòn đang đối diện với thực tại “tăm tối”: Tiêu tan sự nghiệp “quần đùi áo số”!.
Câu chuyện “cầu thủ đánh trọng tài” đã và đang đi vào hồi kết, trên facebook cá nhân, Ngô Anh Vũ đã gửi lời xin lỗi đến Ban lãnh đạo CLB Bình Thuận cũng như người hâm mộ. Theo Ngô Anh Vũ, do “tính chất căng thẳng của trận đấu” (là trận Chung kết tranh vé thăng hạng Nhất mùa giải 2023) nên đã không thể kiềm chế cảm xúc nhưng sự hối hận này có lẽ là đã muộn!
Dẫu nghiệt ngã nhưng vẫn phải thừa nhận, việc CLB Bình Thuận và Ban Kỷ luật VFF, kẻ trước người sau cương quyết “nói không” với bạo lực sân cỏ là điều rất đáng được hoan nghênh. Đấy không chỉ là thông điệp chứng tỏ tập thể này không dung dưỡng cho các hành vi, biểu hiện “phi thể thao” mà còn cho thấy những chuyển biến tích cực trong nhận thức, giáo dục cầu thủ của Ban lãnh đạo đội bóng.
Bởi lịch sử V.League nhiều năm qua đã chứng minh: một trong những nguyên nhân khiến đạo đức sân cỏ vẫn mang tính chất “điểm nóng” ở giải chuyên nghiệp là do sự dung túng, thiếu nghiêm khắc từ chính CLB chủ quản./.