24 kiếm thủ chủ nhà tại SEA Games 31: Thiếu thốn nhưng sẽ…tổng tiến công

Trang thiết bị tập luyện dưới chuẩn, thiếu thực chiến trầm trọng,… và còn rất nhiều chướng ngại nữa mà các kiếm thủ chủ nhà đang nỗ lực vượt qua.

 

Chúng tôi cũng đang tập luyện ở Mỹ đây, nhưng là Mỹ Đình” - HLV Đội tuyển Đấu kiếm Quốc gia Phạm Anh Tuấn chia sẻ hài hước song cũng đầy cảm thán, khi so sánh quá trình chạy đà với các đối thủ sắp tới. Đội Brunei vừa kết thúc chuyến tập huấn ở Áo và chuyển sang địa điểm tiếp theo ở Hungary, đội Indonesia tập huấn ở Bulgaria, còn đội Philippines chọn Hàn Quốc. Tương tự là khâu tổng duyệt hoành tráng của hai đối thủ lớn nhất trong khu vực là Singapore và Thái Lan. “Họ đầu tư rất chuyên nghiệp và rất lớn. 2 tháng qua, đội Singapore đi 4 giải thế giới và tập huấn 1 tháng ở Hàn Quốc. Họ bay tour Italia, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc rồi đến SEA Games. Đội Thái Lan đợt vừa rồi đi Pháp xong cũng về chuẩn bị cho SEA Games” - HLV Phạm Anh Tuấn cho biết.

Đội tuyển Đấu kiếm Việt Nam từng lên kế hoạch tập huấn quốc tế từ rất sớm, dự kiến đi Hàn Quốc, Croatia, hoặc Pháp trong khoảng từ 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, các kế hoạch này đều không thể triển khai được. Đây là điều đáng ngại khi nhìn sang sự chuẩn bị của các nước trong khu vực, từ hai đối thủ truyền thống cho đến những đội mới đầu tư cho bộ môn Olympic này. Thiếu trải nghiệm thực chiến quốc tế suốt 2 năm qua, các HLV, các kiếm thủ giải nghệ được mời về mặc giáp đối luyện làm “quân xanh”. Giải pháp khác là đảo nội dung, đưa các VĐV kiếm liễu sang cọ xát với VĐV kiếm 3 cạnh. Việc cọ xát có giải pháp chữa cháy, nhưng bài toán trang thiết bị luyện tập lại vô cùng khó. Nhiều lần thầy và trò dùng tiền cá nhân để mua kiếm. Một lưỡi kiếm dùng được khoảng 2 tháng, nếu không có nguồn thay thì phải tập thể lực bù hoặc tập chay không có kiếm. Mà ngay cả khi được Nhà nước cấp kinh phí, cơ chế để mua, nhưng ở Việt Nam không có cơ sở hay nhà máy nào sản xuất, việc đấu thầu tìm đơn vị nhập khẩu lại càng phức tạp.

.Đấu kiếm thi đấu trong 6 ngày từ 13 - 18/5 tại Cung Điền kinh trong nhà (Hà Nội).

Nói về mục tiêu khiêm tốn 3 HCV tại SEA Games 31, ông Phùng Lê Quang, chuyên viên phụ trách môn đấu kiếm, Tổng cục TDTT phân tích, mỗi chỉ tiêu huy chương phải dựa trên phân tích chuyên môn của ban huấn luyện và sự đánh giá tổng thể các quốc gia trong khu vực. Ưu thế của đấu kiếm Việt Nam vẫn nằm ở kiếm chém nam, kiếm ba cạnh nam, tuy nhiên những đối thủ Singapore, Thái Lan, Malaysia đang được đầu tư mạnh và có thế hệ VĐV trẻ tốt.

Thực tế, nội dung kiếm chém nam là chủ lực huy chương trong nhiều kỳ SEA Games gần đây. Vũ Thành An là nhà vô địch kiếm chém nam số một Đông Nam Á khi đã giành HCV 3 kỳ SEA Games gần đây nhất. Vũ Thành An cùng với Nguyễn Xuân Lợi, Tô Đức Anh và Nguyễn Văn Quyết cũng rất mạnh ở nội dung đồng đội. Tôi đã chuẩn bị rất nhiều về thể lực, đặc biệt cải thiện về tốc độ, sức mạnh. Vì quãng thời gian thi đấu SEA Games trong ngày rất ngắn, trong khi giải quốc tế có thời gian thi đấu dài vì vậy tôi phải tập trung vào bộc phát sức mạnh trong thời gian ngắn. Đặc thù của năm nay đó là bị vướng Covid, tất cả bài tập so với mọi năm phải thay đổi gần như là toàn bộ. Tôi kỳ vọng là sẽ tiếp tục giành 2 tấm HCV, bảo vệ HCV cá nhân và HCV đồng đội” - kiếm thủ đã 30 tuổi Vũ Thành An bày tỏ.

SEA Games 2019, đấu kiếm Việt Nam chỉ có được HCB ở nội dung nữ. Giờ đây, trên sân nhà, việc đổi màu huy chương rộng mở hơn và cũng là quyết tâm của các nữ kiếm thủ nước ta, trong đó có các gương mặt trẻ. Dù là khó khăn  nhưng Ban huấn luyện đã tạo điều kiện cho bọn em ăn uống ngủ nghỉ, tập luyện tốt. Thầy chuyên gia nước ngoài cũng rất chăm chút cho bọn em, dạy bọn em từng chút một. Em nghĩ là môn nào cũng có khó khăn nên mình phải cố gắng, quyết tâm từng ngày để đạt được thành tích cao nhất. Chúng em vẫn đang trau dồi kỹ năng để có kỳ SEA Games thành công nhất. Mục tiêu của em là đạt 2 HCV, cá nhân và đồng đội nữ kiếm chém” - kiếm thủ sinh năm 2000 Phùng Thị Khánh Linh chia sẻ.

Đường đến SEA Games 31 của Đội tuyển Đấu kiếm Việt Nam không hề suôn sẻ, nhưng giờ là lúc để lại âu lo ở phía sau. Và thực tế thì thầy trò HLV Phạm Anh Tuấn đã thể hiện được tinh thần của những chiến binh, không lùi bước, dù là cảnh thiếu trước hụt sau hay khi gần như cả đội nhiễm Covid hồi tháng 3 vừa qua. “Khi mà vượt qua dịch bệnh thì có hội chứng hậu Covid. Thể lực bị ảnh hưởng cũng chưa sợ bằng việc lo lắng về mặt tâm lý. Chúng tôi phải giải tỏa được việc đấy. Ban huấn luyện có sự phân tích, từ kiến thức khoa học, đến động viên tất cả phải quyết tâm, rằng chúng ta như những chiến binh, không được phép lùi bước. Hiện các em đã cân bằng trở lại, tinh thần cả đội đang lên, vào đúng quỹ đạo” - HLV Phạm Anh Tuấn nêu rõ.

Tại SEA Games 31, Đấu kiếm thi đấu trong 6 ngày từ 13 - 18/5 tại Cung Điền kinh trong nhà (Hà Nội). Đội chủ nhà có 24 VĐV kiếm chém, kiếm ba cạnh, kiếm liễu, tranh tài ở cả 12 nội dung thi đấu của đại hội.

Kiếm thủ Vũ Thành An được chọn là người cầm cờ đoàn thể thao Việt Nam trong lễ khai mạc SEA Games 31. Đây là kỳ SEA Games thứ ba liên tiếp mà chàng trai sinh năm 1992 này được vinh dự cầm cờ Tổ quốc trong lễ khai mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á. Kiếm thủ điển trai này được coi là “người cầm cờ” may mắn cho thể thao Việt Nam khi trước đó anh vinh dự thực hiện nghi lễ này ở Olympic Rio 2016 tại Brazil, ASIAD 2018 ở Indonesia.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận