Những 'mỏ vàng' nơi giảng đường bị bỏ quên

Hai trận giao hữu với U20 Hàn Quốc - 'bài test' quan trọng của Đội tuyển U23 Việt Nam trước thềm SEA Games 31 đã khép lại với tỉ số khá 'đẹp'.

 

Bên cạnh đó, ở loạt trận đấu này, có một diễn biến rất đáng chú ý là trong đội hình của U20 Hàn Quốc có không ít vóc dáng “bạch diện thư sinh” - họ chính là những sinh viên đang theo học tại các trường đại học xứ Kim Chi.

Theo tiết lộ của huấn luyện viên trưởng U20 Hàn Quốc - Kim Eun Jung, trong tay ông hiện có tới 6 - 7 “cầu thủ - cử nhân tương lai” và sẽ khoác áo các câu lạc bộ chuyên nghiệp ở giải vô địch xứ Kim Chi (K.League) sắp tới.

Như chúng ta đã biết, chừng một thập kỷ trở lại đây, những nền bóng đá hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc đã đẩy mạnh và thu được rất nhiều thành công từ bóng đá học đường mà bằng chứng là trong đội hình đội U23 Nhật Bản tham dự Vòng chung kết giải bóng đá U23 châu Á 2018 có tới 4 cầu thủ đến từ các trường đại học. Con số này dẫu là “nhiều” nhưng vẫn chưa thấm vào đâu bởi cũng giải đấu ấy, trong danh sách triệu tập của HLV Kim Bong Gil (U23 Hàn Quốc), hơn 1/3 tuyển thủ (8/23) vẫn đang “dùi mài kinh sử” trên các giảng đường.

Những chuyển động ấy đã và đang “xới” lại một vấn đề “xưa như diễm” ở đấu trường túc cầu giáo quốc nội: “Nguồn cung” cho sân cỏ chuyên nghiệp từ bóng đá học đường.

V.League có khai thác nguồn “tài nguyên vô tận” này không? Xin được nói ngay rằng “có”. Chẳng phải thế sao khi 4 năm về trước, Câu lạc bộ Bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh đã khiến người hâm mộ cả nước sửng sốt khi là một trong những đơn vị tham gia tổ chức Giải bóng đá sinh viên Thành phố mang tên Bác (diễn ra từ ngày 5 - 8/1/2018). Trao đổi với báo giới, cựu Chủ tịch đội bóng này là danh thủ Lê Công Vinh khẳng định: “Chúng tôi sẽ cử tuyển trạch viên đến xem các trận đấu và tuyển chọn những cầu thủ xuất sắc nhất thử việc ở CLB Bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh”.

Trong một chuyển động khác, hẳn khán giả cả nước vẫn chưa quên câu chuyện của “cậu Cử” Phan Công Thuận tại giải bóng đá Sinh viên toàn quốc năm 2015. Tốt nghiệp khoa Giáo dục Thể chất - Đại học Huế, dù không được đào tạo một cách bài bản nhưng các pha bóng kỹ thuật của Thuận đã thuyết phục được gần như tất cả những ai có mặt. Ít lâu sau, Thuận được mời ký bản hợp đồng có thời hạn 1 năm với CLB Đồng Tháp.

Đội tuyển U23 Việt Nam giao hữu với U20 Hàn Quốc .

Thực tế là nhiều năm trở lại đây, các nhà hoạch định bóng đá trong nước không ngừng đề cao và nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển bóng đá học đường - yếu tố được xem là “gốc rễ”, quan trọng không kém đào tạo trẻ tại các trung tâm như Quỹ Đầu tư phát triển Bóng đá, Hoàng Anh Gia Lai… Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà các đội bóng chuyên nghiệp ở ta chưa dành cho sân chơi này sự quan tâm đúng mực. Trường hợp Phan Công Thuận thực chất chỉ là một dạng “quả ngọt trái mùa” - thú vị nhưng rất hiếm hoi. Tương tự như vậy, kết thúc Giải bóng đá sinh viên năm 2018, chẳng có cái tên nào lọt vào “mắt xanh” của Ban lãnh đạo CLB Bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh. Có thể là chất lượng của dàn cầu thủ - sinh viên năm ấy không đáp ứng được các tiêu chí của sân chơi chuyên nghiệp, nhưng bên cạnh đó, người hâm mộ cũng băn khoăn tự hỏi: Quyền Chủ tịch Lê Công Vinh có tìm đến sân chơi này với thái độ thực sự nghiêm túc (?) hay chỉ mượn nó để đánh bóng tên tuổi giống như vô vàn “chiêu trò” mà cựu tuyển thủ này từng thi triển?

Rõ ràng, so với “thiên hạ” không phủ nhận là chúng ta đã có sự quan tâm đến bóng đá học đường, nhưng còn rất hời hợt, qua loa chiếu lệ và không có đủ sự nhẫn nại cần thiết.

Hy vọng là sau hai bận “mục sở thị” U20 Hàn Quốc, đặc biệt là bản “CV bóng đá” rất “hoành tráng” của các cầu thủ - sinh viên, các nhà quản lý, đào tạo túc cầu giáo nước nhà sẽ có sự nhìn nhận đúng đắn về “mỏ vàng” đang bị bỏ quên nơi giảng đường lộng gió./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận