'Nóng' câu chuyện 'tiền lót tay'!

Mới đây, sân chơi của các 'cầu thủ tóc dài' bất chợt dậy sóng khi lần đầu tiên có 'tiền lót tay' - lên tới nửa tỉ đồng.

 

Đây là câu chuyện lạ vì hình ảnh các nữ cầu thủ vốn luôn được đồng nhất với các khái niệm “đầu tư kém”, “nghèo quanh năm”.

Để có cái nhìn toàn diện về túc cầu giáo nữ, hãy nhắc lại một chuyển động “ngỡ như đùa” tại hậu trường đội tuyển bóng đá nữ U19 Việt Nam hơn nửa thập kỷ. Ở giải Bóng đá Nữ vô địch U19 châu Á 2017, chúng ta có tới 9 cầu thủ sinh năm 1998, 11 cầu thủ sinh năm 1999 và đặc biệt là 5 người cầm tinh con rồng (Canh Thìn - 2000), tức là đến ngày thi đấu họ mới 16 tuổi. Trước câu hỏi “Tại sao chúng ta không triệu tập những gương mặt 18, 19 tuổi cho “bằng vai phải lứa” với thiên hạ?”, HLV trưởng Mai Đức Chung đã tiết lộ một thông tin khiến tất cả đều sửng sốt: Cũng muốn lắm, nhưng “bói không ra” cầu thủ nữ ở độ tuổi 18 - 19.

Thực tế “đắng lòng” ấy khiến báo giới được một phen “xôn xao”, họ tìm gặp nhiều lãnh đạo, cựu cầu thủ và biết được “hiện thực trần trụi”: Bóng đá nữ Việt Nam luôn khó khăn trong việc… chiêu sinh. Nhiều lò đào tạo danh tiếng như Hà Nội, Hà Nam - vào mùa tuyển sinh, dẫu cánh cửa luôn “mở toang” thì thi thoảng mới có một gương mặt nữ rụt rè tìm đến, bày tỏ ước muốn được theo nghiệp “quần đùi áo số”. Vậy mà các em nào có được sự động viên, khích lệ từ gia đình. Theo lời HLV Văn Thị Thanh (CLB bóng đá nữ Hà Nam), khi biết tin con gái mình muốn gửi niềm đam mê theo quả bóng tròn, nhiều bậc phụ huynh đã lập tức tìm đến CLB, yêu cầu các em… từ bỏ đam mê.

Theo lời HLV tuyển trẻ Hà Nội, đồng thời là cựu tuyển thủ đội bóng đá nữ Việt Nam - Nguyễn Ngọc Anh thì sự “ế ẩm” của bóng đá nữ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: Đời cầu thủ nữ luôn phải đối mặt với nguy cơ chấn thương, nguy cơ… “ế chồng” và quan trọng hơn là thu nhập luôn… thấp! Theo tiết lộ của chính những người trong cuộc, với những nữ cầu thủ không thuộc diện “sao số”, mỗi tháng họ chỉ nhận được chừng dăm - bảy triệu đồng chứ đừng nói tới các khoản “lót tay”, “chuyển nhượng” để có thể đảm bảo một cuộc sống không quá chật vật sau giải nghệ.

Vì lẽ đó, việc các nữ cầu thủ như Huỳnh Như, Chương Thị Kiều, Mỹ Anh,… của câu lạc bộ Bóng đá nữ Thành phố Hồ Chí Minh được đội nữ Thái Nguyên “chèo kéo” bằng khoản “lót tay” cỡ nửa tỉ đồng mà chúng tôi đề cập ở đầu bài viết có thể xem là sự kiện lớn, gây chấn động sân chơi này.

Từ cuối năm 2019, nữ Thái Nguyên được tài trợ bởi tập đoàn T&T và đổi tên thành CLB bóng đá Thái Nguyên T&T một trong những sách lược của tập thể này là mời gọi các chân sút chất lượng bằng những đãi ngộ “trong mơ”. Theo một nguồn tin chưa chính thức, ngoài việc đảm bảo chế độ lương bổng “bằng hoặc cao hơn đội bóng cũ” (nữ Thành phố Hồ Chí Minh), hậu vệ Mỹ Anh sẽ nhận được khoản phí chuyển nhượng 500 triệu đồng /2 năm, tương tự như vậy, Thái Nguyên T&T cũng trả cho Hoài Lương 400 triệu đồng/2 năm.

Bóng đá nữ Việt Nam luôn khó khăn trong việc… chiêu sinh.

Song oái oăm thay, các nữ cầu thủ chưa kịp “vui niềm vui đổi đời” đã phải “buồn nỗi buồn nghề nghiệp” bởi bóng đá nữ chưa “khoác áo chuyên”. Các điều khoản về “đền bù hợp đồng”, “tự do đàm phán tương lai” còn rất mù mờ, chưa “tròn vành rõ nghĩa”. Cả Mỹ Anh và Hoài Lương đều không có hợp đồng chuyên nghiệp, chỉ có hợp đồng đào tạo và hợp đồng lao động với Trung tâm Thể dục Thể thao Thống Nhất. Nhiều nội dung ràng buộc đối với họ hiện tại rất chung chung, thiếu minh bạch, cụ thể; chẳng hạn như trong quyết định cho vận động viên ra đội tuyển thể thao thành phố có quy định: “Vận động viên có tên trong quyết định không được phép tham gia thi đấu cho bất kỳ đơn vị tỉnh, thành, ngành khác khi chưa được sự đồng ý của Sở Văn hoá - Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh”. Nói cách khác, Mỹ Anh, Hoài Lương mặc dù muốn đầu quân cho đội bóng khác (chính là Thái Nguyên T&T) nhưng lại chưa thể tự quyết định chuyện đi - ở của mình.

Đoạn kết câu chuyện “tiền lót tay” ở bóng đá nữ ra sao (?) vẫn phải chờ các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng như đã nói, do bóng đá nữ chưa “khoác áo chuyên” nên rất khó áp dụng Điều lệ bóng đá chuyên nghiệp. Cũng có nghĩa là “giấc mơ thoát nghèo” của các cô gái đá bóng, dẫu đã hiện hữu nhưng vẫn còn rất xa xăm, mơ hồ và đầy rối rắm.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận