'Bầu sữa' doanh nghiệp

Những ngày này, bầu không khí hoan hỉ bao trùm khắp hậu trường CLB Bóng đá Nam Định.

 

Theo lãnh đạo đội bóng, trong vòng 4 mùa giải tới, cầu thủ, Ban huấn luyện có thể “kê cao gối ngủ” khi nhà tài trợ mới là Tập đoàn Xuân Thiện đã cam kết gói tài trợ lên tới 200 tỉ đồng (thậm chí cao hơn nếu thành tích tốt), tương đương 50 tỷ đồng/mùa giải.

Chẳng cần quá am tường về V.League người ta vẫn có thể hiểu được tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp đối với một đội bóng đang góp mặt tại giải chuyên nghiệp. Chuyện “lấy bóng đá nuôi bóng đá” chỉ nên bàn… ở trời Âu, còn ở sân cỏ quốc nội, nó vẫn là khái niệm hết sức xa xỉ - bởi gần như chưa có CLB nào ở dải đất hình chữ S có thể tự đứng vững trên đôi chân mình. Đến thời điểm hiện tại, chuyện một đội bóng ở ta tự nhiên lăn đùng ra “chết” đã… xưa như trái đất với các nguyên nhân vô cùng… phong phú. Đó có thể là “cái chết” do cơ chế (như các CLB Quân khu 4, Thể Công); có thể do không còn người “chống lưng” (CLB bóng đá Hà Nội) hay ông bầu không còn mặn mà với sân cỏ (các đội bóng: Hòa Phát Hà Nội, TV Ninh Bình, XT Sài Gòn, N.Sài Gòn…) và nhiều nhất là “chết” do nhà tài trợ rút “ống thở”: K. Kiên Giang, Xuân Thành Sài Gòn, The Vissai Ninh Bình…

CLB Bóng đá Nam Định được Tập đoàn Xuân Thiện đã cam kết gói tài trợ lên tới 200 tỉ đồng (thậm chí cao hơn nếu thành tích tốt), tương đương 50 tỷ đồng/mùa giải.

Sân chơi cao nhất làng cầu quốc nội từng ghi nhận không ít trường hợp nhà tài trợ có vai trò đặc biệt quan trọng với đội bóng mà điển hình là CLB Hùng Vương An Giang 8 năm về trước. Kết thúc vòng 13 V.League 2014, trước băn khoăn của người hâm mộ về việc có hay không tiếp tục tham dự giải bóng đá chuyên nghiệp vô địch quốc gia, Giám đốc điều hành đội bóng này là ông Võ Hoàng Phong đã tỏ ra lúng túng thật sự. Theo lời ông Phong thì do Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương (doanh nghiệp “đỡ đầu” đội bóng) đang đi công tác ở nước ngoài nên ngay cả lãnh đạo tỉnh An Giang cũng không thể biết được đội nhà sẽ… đi về đâu.

Trở lại gói tài trợ “nóng hổi” của đội bóng Thành Nam. Cũng như nhiều tập thể khác, “bệnh thiếu tiền” là căn nguyên khiến Nam Định FC nhiều phen lâm vào cảnh “dở sống dở chết”. Và trong nỗ lực thoát hiểm, họ đã nảy ra vô số giải pháp “chẳng giống ai”. Bốn năm trước, khi mùa giải 2017 kết thúc, với vị trí dẫn đầu giải hạng Nhất, trước câu hỏi của báo giới: Tiền đâu để chơi V.League? “Thuyền trưởng” Nguyễn Văn Sỹ đã khiến tất cả sửng sốt khi thổ lộ: Cứ vui đã, còn kinh phí thì… tính sau! Nói cách khác, hành trang của “đội bóng thành Nam” khi trở lại sân chơi cao nhất làng cầu quốc nội lại là cái “két sắt rỗng” cùng “sách lược”: Vừa đá vừa gọi tài trợ!

Và giờ thì thầy trò ông Nguyễn Văn Sỹ đã có được một gói tài trợ “trong mơ”, đủ để họ quên đi nỗi lo “cơm áo” trong suốt 4 mùa giải. Tương tự như vậy là câu chuyện “bỗng dưng thành thiếu gia” của Bình Định FC tại V.League 2022 khi được một doanh nghiệp địa phương thổi luồng sinh khí mới lên tới 300 tỉ/ 3 năm mà chúng tôi đã đề cập trong một bài viết cách đây chưa lâu.

Không còn nghi ngờ gì nữa, những gói tài trợ “khủng” này đã tái khẳng định thực tế: Nam Định FC, Bình Định FC vẫn chưa thể vận hành như một đội bóng chuyên nghiệp thực sự tại các nền bóng đá hàng đầu thế giới mà phụ thuộc hoàn toàn vào “bầu sữa” mang tên tài trợ. Thậm chí, không có gì quá lời khi nói, với V.League, gần như “cả làng” đều đang… “bú sữa doanh nghiệp”!

Đáng nói hơn là với tình hình hiện tại, chưa thấy dấu hiệu chứng tỏ các đội bóng có thể “cai sữa” trong tương lai gần.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận