'Thiếu gia mới nổi' và câu chuyện 'tiền đè chết người'!

V.League năm nay, 'đội bóng đất Võ' bỗng nổi lên như một ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch.

 

Tất cả bắt nguồn từ khoản đầu tư “khủng” cùng màn chiêu binh mãi mã” rầm rộ trước thềm V.League 2022.

Với ngân khoản lên tới 300 tỉ đồng/ 3 năm (con số có thể nói là đáng mơ ước bởi nhiều tập thể khác đang phải lên kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” khi chỉ có vài ba chục tỉ để trang trải cho cả mùa giải cùng các hoạt động khác như đào tạo trẻ, duy tu, bảo trì sân bãi), sân Bình Định đã trở thành “điểm nóng” của thị trường chuyển nhượng mùa giải năm nay. Trong số 13 tân binh trước - sau tề tựu dưới trướng một nhà cầm quân thuộc diện “có số má” (huấn luyện viên Nguyễn Đức Thắng), người ta thấy được không ít tên tuổi chất lượng: Nghiêm Xuân Tú, Mạc Hồng Quân (từ Than Quảng Ninh), Schmidt, Jermie Lynch (Hải Phòng), Hà Đức Chinh, Rafaelson (SHB Đà Nẵng), Trần Định Trọng (Hà Nội FC).  

Binh hùng, tướng mạnh cộng với một “két sắt” khá “nặng”, không ngạc nhiên khi người hâm mộ điền tên Bình Định FC vào cuộc đua tới chức vô địch V.League 2022.

Cuộc shopping quy mô lớn của lãnh đạo CLB Bình Định đã và đang gợi nhớ đến một chuyển động tương tự, từng diễn ra ở hậu trường đội bóng bên bờ sông Mã cách đây hơn nửa thập kỷ. Đầu mùa bóng 2016, dưới sự bảo trợ của tập đoàn FLC, sân Thanh Hóa nhanh chóng trở thành “miền đất hứa” của “giới quần đùi áo số”. Nhiều ánh mắt nhìn về nơi đây trong sự “thèm thuồng”, ao ước. FLC Thanh Hóa nổi lên như một thế lực thực sự. Xa hơn nữa, V.League từng chứng kiến những bận mua sắm rất rầm rộ ở các sân Ninh Bình, sân Thống Nhất. Với “túi tiền dồi dào”, hai ông bầu Hoàng Mạnh Trường, Nguyễn Đức Thụy lúc đó đã mộ quân theo tiêu chí “tiền đè chết người”, gần như là “vơ cạn”, “vét sạch” bất cứ một cầu thủ thuộc diện “có số má” nào về dưới trướng.

Ấy thế nhưng, dẫu nghiệt ngã thì ở V.League hiện vẫn đang tồn tại nghịch lý: Đồng tiền không phải lúc nào cũng tỉ lệ thuận với thành tích. Túi tiền của nhà tài trợ có thể đem về một đội bóng “làng nhàng” nhiều cá nhân xuất sắc nhưng để đội bóng đó đoạt “vương miện” lại là câu chuyện khác. Theo nhận định của các chuyên gia, điều kiện cốt tử để một đội bóng có thể đứng trên bục cao nhất là sở hữu bộ khung “ổn định” và “có chất lượng”. Thiếu yếu tố “ổn định” thì một đội bóng “nhà giàu” cũng phải… khóc!

Binh hùng, tướng mạnh cộng với một “két sắt” khá “nặng”, không ngạc nhiên khi người hâm mộ điền tên Bình Định FC vào cuộc đua tới chức vô địch V.League 2022.

Mà ở sân chơi cao nhất làng cầu quốc nội, câu chuyện “người giàu cũng khóc” là nỗi đau không phải của riêng ai. Chẳng phải những Ninh Bình, Xuân Thành Sài Gòn, FLC Thanh Hóa đều đã lần lượt gục ngã trước ngưỡng cửa “thiên đường” đó sao? Những tập thể nói trên chẳng thiếu tiền và không phải không sẵn sàng “bạo chi” nhưng chức vô địch vẫn là khái niệm hết sức xa vời.

Không phủ nhận thực tế, với tham vọng và thực lực hiện có (thực tế thì thực lực là ngòi dẫn cho tham vọng), Bình Định FC cần bổ sung thêm những nhân tố mới nhưng song song với việc “hô mưa gọi gió” trên chợ cầu thủ, điều cần thiết và quan trọng là lãnh đạo CLB này phải tìm được đáp án cho câu hỏi: tại sao không ít “đại gia V.League” không thể thành công với công thức “mua nhiều + thưởng lớn” (?) và cần làm gì để không đi vào vết xe đổ ấy? Có được một ông bầu mạnh tay mua sắm là “điều kiện cần” nhưng đó đã là “điều kiện đủ” để đội bóng nào đó có thể bỗng chốc “hóa rồng”?

Nếu không thì “thiếu gia mới nổi” nơi đất Võ nhiều khả năng cũng chỉ là một “FLC Thanh Hóa phiên bản mới” mà thôi!

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận