Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn!

For a stronger South East Asia - là khẩu hiệu 'gối đầu giường' của thể thao nước ta trong năm 2022.

 

Và các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia cũng đã khởi động những bảng đồng hồ đếm ngược vài chục ngày đến Lễ khai mạc SEA Games 31.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định: “Phải tổ chức thành công SEA Games 31 để tạo tiếng vang lớn cho Tổ quốc”.

Đến thời điểm này, Ban tổ chức đã nhận được hơn 300 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Số tiền gần 450 tỷ đồng còn lại, Ban tổ chức đã báo cáo và chờ Bộ Tài chính thẩm định và dự kiến giải ngân sẽ hoàn tất trong tháng 3. Ở diễn biến khác, Ban tổ chức đã công bố đơn vị tài trợ thứ 4, đó là nhà tài trợ Kim cương, cũng là nhà tài trợ nước ngoài đầu tiên của SEA Games 31. Việc sắp cán mốc 70 tỷ đồng từ các mạnh thường quân giúp Ban tổ chức đạt được 99% so với mục tiêu vận động, tiếp thị tài trợ.

Kinh phí, nỗi lo thường trực và trở ngại lớn nhất, xem như đã được giải quyết. Trong khi đó, tiến độ tổ chức SEA Games 31 vẫn đảm bảo đúng lộ trình. Tại Hội nghị Trưởng đoàn lần thứ nhất, Ban tổ chức nước chủ nhà đã công bố những thông tin quan trọng như: Các mốc thời gian cho việc đăng ký tham dự, cơ cấu Ban tổ chức nước chủ nhà, địa điểm thi đấu và các khu vực chức năng, thẻ, công tác đón, tiễn, hệ thống khách sạn, giao thông và hậu cần, thời gian và địa điểm dự kiến diễn ra các buổi lễ quan trọng.

Để đảm bảo công tác tổ chức SEA Games vào tháng 5 tới thật sự an toàn, đạt tất cả những yêu cầu về công tác phòng chống dịch thì Bộ Y tế, Tiểu ban y tế và kiểm tra doping, Tổng cục TDTT đã xây dựng các kế hoạch chi tiết, các nội dung, kịch bản và các phương án phù hợp, theo từng diễn biến, mức độ dịch có thể xảy ra. Tất nhiên tất cả còn phải căn cứ vào tình hình thực tế của dịch bệnh tại Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực vào thời điểm đó để có phân loại, điều chỉnh phù hợp. Cơ bản là các biện pháp phòng chống dịch phải được đưa ra ở mức độ cao nhất và các VĐV, tất cả các thành viên các đoàn dự SEA Games phải tuân thủ. Chúng tôi sẽ kiểm soát thường ngày” - ông Nguyễn Văn Phú, đại diện cho Tiểu ban Y học và Phòng chống doping, cho biết.

Đoàn thể thao Việt Nam đã sẵn sàng cho SEA Games 31 trên sân nhà.Olympic Tokyo từng bị lùi thời điểm tổ chức 1 năm, trong quá trình thi đấu phát hiện nhiều trường hợp dương tính với Covid-19, song đã vượt qua tất cả trở ngại để về đích an toàn và thành công rực rỡ. Kinh nghiệm tổ chức từ Tokyo chắc chắn mang đến bài học quý cho nước chủ nhà SEA Games 31. Và theo nhà báo Hữu Bình, Trưởng ban biên tập Tạp chí Thể thao, bên cạnh các thành viên Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic thì các đội tuyển thể thao Việt Nam cũng đã dự rất nhiều giải đấu quốc tế trong năm vừa qua. Mỗi đoàn xuất ngoại đều mang về những bài học chống dịch. “Thể thao Việt Nam muốn tạo ra kỳ SEA Games ấn tượng trong mắt bè bạn quốc tế phải bắt đầu từ việc chúng ta chơi fair-play, từ trọng tài đến thi đấu. Tất cả mọi thứ đều hướng tới việc đạt thành tích tốt nhất trên tinh thần fair-play. Đấy là tinh thần của Việt Nam. Có nhiều nội dung mà chúng ta có thể đưa vào nhờ vị thế chủ nhà nhưng chúng ta không đưa, chúng ta hướng tới các nhóm môn thể thao thuộc Olympic và Asiad” nhà báo Hữu Bình nêu ý kiến.

SEA Games 31 diễn ra từ ngày 12 - 23/5 tại Hà Nội và 11 địa phương lân cận gồm 40 môn với hơn 500 nội dung, quy tụ 10.000 người đến từ 11 đoàn thể thao khu vực. Hơn 1 năm qua, hàng nghìn tuyển thủ của 40 đội tuyển quốc gia miệt mài tập luyện, nỗ lực vượt khó bằng cách thức linh hoạt và sáng tạo, nhằm hướng tới một kỳ SEA Games đặc biệt trên sân nhà.

SEA Games 31 là một sự kiện đặc biệt, không chỉ bởi sau 18 năm, Việt Nam mới lại đăng cai một kỳ đại hội thể thao của khu vực Đông Nam Á, mà còn là bước đi tiên phong hướng đến việc phát triển thể thao khu vực, thay vì câu chuyện “phân chia huy chương” như trước đây./,

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận