'Hữu danh vô thực' và 'hữu thực vô danh'!

Câu chuyện của ông Chung đã xới lại một vấn đề 'xưa như trái đất' ở sân cỏ quốc nội, đó là các huấn luyện viên (HLV) 'hữu danh vô thực' và 'hữu thực vô thực".

 

Việc nhà cầm quân Mai Đức Chung đưa Đội tuyển Bóng đá nữ Quốc gia giành quyền tham dự World Cup 2023 nhưng không đủ bằng cấp để “chính danh” chỉ đạo là một trong những sự kiện “nóng” làng bóng nước nhà đầu xuân Nhâm Dần.

Như truyền thông đã đưa tin, tại Asian Cup nữ 2022 (sân chơi mà Đội tuyển nữ của chúng ta đã vượt qua Đài Bắc - Trung Hoa với tỉ số 2-1 cách đây hơn một tuần lễ, qua đó giành vé tới World Cup 2023), theo quy định của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), tất cả các HLV đều phải có bằng Pro; tuy nhiên, tổ chức này đã dựa vào đánh giá của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) về thời gian, thành tích và quá trình công tác và dành cho HLV Mai Đức Chung (mới chỉ có bằng A của AFC) một ngoại lệ.

Nhưng đến cấp độ thế giới thì mọi chuyện sẽ khác. Vòng loại World Cup 2023 của LĐBĐ châu Âu (UEFA) quy định HLV trưởng phải có bằng UEFA Pro hoặc có đăng ký khóa học sau một năm được bổ nhiệm hoặc HLV phải có bằng A của UEFA nếu như làm việc cho liên đoàn nơi không có khóa đào tạo UEFA Pro. Điều này có nghĩa, sẽ không có sự “du di” hay “linh hoạt” nào dành cho nhà cầm quân họ Mai.

Song, quy định tưởng chừng như không thể khắc phục trước thềm World Cup 2023 này lại có thể dễ dàng được VFF hóa giải; bằng chính những gì đã từng xảy ra trong quá khứ mà cơ quan điều hành bóng đá cao nhất nước nhà từng nhiều lần phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. 

Như chúng ta đã biết, ở V.League, cố HLV Lê Thụy Hải gắn với hình ảnh một chiến lược gia lão làng, nhiều kinh nghiệm, giàu thành tích nhưng thiếu bằng cấp. Tấm bằng theo chuẩn của Liên đoàn Bóng đá châu Á chính là rào cản lớn nhất khiến nhiều đội bóng: FLC Thanh Hóa, B.Bình Dương dù mến tài song không thể “đặt” ông vào ghế HLV trưởng. Để sử dụng “chất xám” của nhà cầm quân họ Lê, các CLB nói trên thường “lách quy chế” bằng việc bổ nhiệm ông Hải “lơ” vào ghế Giám đốc Kỹ thuật (GĐKT) nhưng toàn quyền chỉ đạo về mặt chuyên môn. Đồng thời bổ nhiệm song song một GĐKT đầy đủ bằng cấp khác vào vị trí HLV trưởng. Nói cách khác, về mặt chuyên môn, ông Lê Thụy Hải “hữu thực vô danh”. Hãy lấy dẫn chứng từ thực tế ở CLB Bóng đá Thanh Hóa mùa giải 2016: ông Lê Thụy Hải mặc dù được đăng ký chức danh GĐKT nhưng thực chất là HLV trưởng; ngược lại, cựu tiền đạo Hoàng Thanh Tùng dù trên giấy tờ là HLV trưởng lại chỉ làm trợ lý về chuyên môn. Ở CLB B.Bình Dương nhiều năm trước đó, khi ký hợp đồng với nhà cầm quân họ Lê, giữa ông Lê Thụy Hải và trợ lý Nguyễn Thanh Sơn cũng có sự hoán đổi “công việc - chức danh” tương tự.

Việc nhà cầm quân Mai Đức Chung đưa Đội tuyển Bóng đá nữ Quốc gia giành quyền tham dự World Cup 2023 nhưng không đủ bằng cấp để “chính danh” chỉ đạo là một trong những sự kiện “nóng” làng bóng nước nhà đầu xuân Nhâm Dần.

Vì lẽ đó, trước những đòi hỏi khắt khe về bằng cấp HLV trưởng tại World Cup 2023, truyền thông nước nhà đã “tư vấn” cho VFF tiến hành thao tác tương tự: Cùng lúc chuyển ông Chung sang ghế GĐKT của đội tuyển và tìm một đồng nghiệp có bằng Pro “đặt” vào ghế “lái trưởng”, dẫu chỉ là “ngồi chơi xơi nước”.

Tóm lại, trong trường hợp “tướng Chung” còn nguyên nhiệt huyết, khát vọng và VFF vẫn muốn có sự phục vụ của nhà cầm quân này thì rào cản bằng cấp ở phía HLV Mai Đức Chung chỉ là “chuyện nhỏ”. Các quan chức bóng đá nước nhà có thừa kinh nghiệm để đối phó.

Nhưng điều đáng nói ở đây là câu chuyện tư duy cùng cách làm “giật gấu vá vai” của VFF (nếu áp dụng). Nếu như với HLV Lê Thụy Hải, “tuyệt chiêu” đổi người - thay ghế nói trên, dẫu sao chỉ là “chuyện nội bộ”, “ta biết với ta”; còn đã “ra biển lớn”, trước một “sân khấu bốn mặt” mà chúng ta vẫn áp dụng những “chiêu”, “mánh” mang tính “võ nhà” thì người hâm mộ dẫu cảm thông cũng khó đồng tình.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận