Sân cỏ & tấm bằng cử nhân
Sân cỏ cả nước đã có một phen xôn xao khi có tới 49 cầu thủ đến từ Học viện Bóng đá Nutifood JMG và Học viện Hoàng Anh Gia Lai được công bố trúng tuyển đại học.
Việc một người theo nghiệp quả bóng tròn có “mác” sinh viên, cử nhân không phải là quá hiếm. Các cơ sở giáo dục thể chất nổi tiếng cả nước đều đã và đang có nhiều cầu thủ theo học. Đơn cử như trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM, 8 năm trước, trong ngày tựu trường, trên “giảng đường lộng gió”, người ta thấy có sự góp mặt của 6 cái tên “đình đám” ở làng cầu quốc nội là: Công Phượng, Minh Vương, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Thanh, Văn Toàn. Còn trong bảng danh sách sinh viên Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh cũng có tới 3 cầu thủ chuyên nghiệp là: Duy Mạnh, Quang Hải và Đình Trọng. Tương tự như vậy, Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội là nơi mà những Quế Ngọc Hải, Nguyễn Trọng Hoàng, Bùi Tiến Dũng (nhập học khóa 53) gửi gắm ước mơ về một ngày “vinh quy bái tổ”.
Điều này có nghĩa, chiến lược đào tạo song hành: Văn hóa - chuyên môn (ở đây là bóng đá) là hướng đi đã và đang khá phổ biến. Nói cách khác, ông chủ các lò đào tạo cũng như cầu thủ đang ngày càng quan tâm và ý thức được tầm quan trọng của yếu tố học vấn.
Có một dạo, giải bóng đá vô địch chuyên nghiệp Quốc gia được xem là “miền đất hứa” của các “ông Tây”. Người người, nhà nhà đều chuộng “hàng ngoại” còn các câu lạc bộ thì tràn ngập “lính đánh thuê”. Ấy thế nhưng, xét lý lịch của các “ông Tây” này, người hâm mộ không khỏi bất ngờ khi đa phần trong số họ đều thuộc diện “ít học, thiếu chữ”. Sự “dễ dãi” trong “tuyển dụng” của V.League khiến giới ngoại binh từng lập nghiệp ở đây đã truyền nhau kinh nghiệm: Nếu không có bằng cấp thì cứ sang Việt Nam đá bóng! - một “định hướng nghề nghiệp” từng khiến không ít quan chức bóng đá nước ta cảm thấy tự ái.
Thậm chí, kết thúc mùa bóng 2013, sân cỏ cả nước còn “cười ra nước mắt” với câu chuyện của Bật Hiếu: Trước lời chào của đội bóng đất Mỏ bằng bản hợp đồng với lợi nhuận ước tính khoảng 3 tỉ đồng/2 năm, trung vệ này tức khắc “xoay” luôn 1,6 tỷ đền bù ràng buộc với đội bóng cũ (CLB Thanh Hóa) cùng một phép “tính cua trong lỗ”: Sẽ có thêm 1,4 tỷ đồng. Ấy thế nhưng, sau khi hợp đồng chính thức được ký kết, Bật Hiếu mới “ngã ngửa” khi biết hợp đồng với đội bóng mới chỉ có thời hạn 365 ngày. Tính ra, Bật Hiếu “lỗ” khoảng 100 triệu - hệ quả từ việc không hiểu hết nội dung văn bản nhưng vẫn… nhắm mắt “ký bừa”.
Ở khía cạnh khác, sân cỏ cả nước từng chứng kiến trường hợp hi hữu: Một cử nhân “xịn”, tốt nghiệp đại học chính quy thẳng thừng từ chối “quy hoạch” trở thành giảng viên để khoác trên mình chiếc áo đấu. Ở giải bóng đá Sinh viên toàn quốc năm 2015, “vua phá lưới” Phan Công Thuận mới tốt nghiệp khoa Giáo dục thể chất - Đại học Huế. Một số thầy cô giáo trong bộ môn tỏ ý muốn giữ Thuận công tác tại trường nhưng trước lời mời rất hấp dẫn (về thu nhập) từ CLB Đồng Tháp, chàng cử nhân trẻ quyết định “xếp bút nghiên” để đuổi theo quả bóng tròn.
Những chuyển động ấy cho thấy, với giới “quần đùi áo số”, “thu nhập” và “bằng cấp” không phải lúc nào cũng tỉ lệ thuận; bi kịch giữa “sự nổi tiếng” với “nhận thức” dường như luôn là khoảng cách rất khó san lấp.
Nhưng dẫu sao đi nữa thì sự kiện 49 cầu thủ nhận giấy báo trúng tuyển đại học ít nhiều sẽ khiến dư luận vơi bớt định kiến về nghề cầu thủ “nhiều tiền - ít chữ”. Chúng tôi tin rằng khi đã trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu và cần thiết, sân cỏ cả nước sẽ hạn chế bớt được tình trạng cầu thủ có những phát ngôn, hành động khiến khán giả không thể không ngán ngẩm bởi kém hiểu biết./.