Đó là Tatsuma Yoshida - cựu huấn luyện viên trưởng đội tuyển Singapore và Tan Cheng Hoe - người đã không thể đưa Malaysia vượt qua vòng đấu bảng.
Chưa dừng lại ở đó, theo truyền thông khu vực, nhiều khả năng các chiến lược gia: Stewart Hall (ĐT Philippines), Antoine Hey (ĐT Myanmar) và Selvaraj (ĐT Lào) cũng sẽ nói “lời người ra đi” do thành tích bất xứng kỳ vọng!
Điều khiến người hâm mộ có chút “ưu tư” chính là lá đơn từ nhiệm của ông Tatsuma Yoshida bởi như chúng ta đã biết, khi nhận lời chèo lái “Sư tử biển”, vị HLV đến từ đất nước mặt trời mọc đã công khai mục tiêu đưa túc cầu giáo Singapore vươn tầm châu lục. Điều này có nghĩa AFF Cup chỉ mang ý nghĩa như một đợt “tổng diễn tập”, cũng đồng nghĩa không thể lấy thành tích ở giải đấu này để đánh giá năng lực ông thày người Nhật Bản. Tuy nhiên, việc Singapore dừng bước ở bán kết đã châm ngòi cho một cuộc “tổng công kích” ông Tatsuma Yoshida từ bốn phía khán đài. Cực chẳng đã, HLV Tatsuma Yoshida đành đệ đơn từ nhiệm, bỏ lại sau lưng kịch bản “vươn tầm châu lục” vẫn đang viết dở.
Chuyển động xung quanh chiếc ghế “nóng” nhất làng cầu Singapore tái khẳng định một thực tế “xưa như diễm”, rằng: Với các đội bóng Đông Nam Á, yếu tố thành - bại ở những giải đấu khu vực vẫn là “canh bạc tất tay”, là điều kiện tiên quyết xác định việc có “tiếp tục” hay “chấm dứt” hợp đồng với HLV trưởng. Bất chấp thực tế là khi đặt bút kí kết những ràng buộc, Liên đoàn Bóng đá các nước đều “chúng khẩu đồng từ”, đại ý: Mục tiêu lớn nhất là các giải đấu mang tầm vóc châu lục như Asian Cup, Vòng loại World Cup châu Á…
Chẳng phải thế sao khi mà tại buổi họp báo sau khi kết thúc 90 phút thư hùng Việt Nam - Thái Lan trong khuôn khổ lượt về vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á cách đây 3 năm (năm 2019), trước câu hỏi về mục tiêu của đội nhà ở giải đấu, HLV trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Park Hang Seo đã khiến không ít ký giả cảm thấy ngỡ ngàng khi chia sẻ: Hiện ông rất “đau đầu”, không nghĩ gì cả, vì mọi toan tính đều hướng cả vào SEA Games 30 diễn ra cuối tháng 11/2019.
Thì ra việc “thầy Park” đang “bơi ở biển lớn” nhưng vẫn đau đáu nhìn về “ao làng” bắt nguồn từ một điều khoản trong bản tái ký hợp đồng được giấu kín: HLV Park Hang Seo nhận được mức đãi ngộ kỷ lục, đổi lại, ông Park phải đưa U22 Việt Nam tới bục cao nhất Đại hội Thể thao khu vực lần thứ 30 ở nội dung Bóng đá Nam. Vị chiến lược gia có lẽ cũng rất thấu hiểu tâm tư của các quan chức Liên đoàn - kể từ Đại hội VIII đến nay, mặc dù hình ảnh bóng đá Việt Nam đã được nâng cao đáng kể trên đấu trường châu lục nhưng vẫn còn thiếu tấm Huy chương Vàng SEA Games - nên đã đồng ý đưa mục tiêu “giành vàng” trở thành một trong những điều khoản trong hợp đồng mới.
Không còn nghi ngờ gì nữa, “cơn đau đầu” năm nào của HLV Park Hang-Seo, lá đơn từ chức đột ngột của các ông: Tatsuma Yoshida, Tan Cheng Hoe sau khi AFF Cup 2020 hạ màn chính là những bằng chứng khẳng định: Với các ĐT trong khu vực, dẫu không quên hướng tầm nhìn vào các mục tiêu lớn (Asian Cup, Vòng loại World Cup) nhưng vẫn bị những “giấc mơ con”: SEA Games, AFF Cup “ghì sát đất”.
Vẫn biết ở bất kỳ sân chơi nào, khi có đội nhà tham dự, người hâm mộ đều kỳ vọng vào mục tiêu cao nhất song việc lấy “vàng SEA Games”, “huy chương AFF Cup” để luận năng lực các nhà cầm quân thì lại là chuyện khác. Nghịch lý ấy biểu thị cho trường tư duy “ao làng” đã ăn sâu, bén rễ trong mỗi bản hoạch định chiến lược!.