Vươn ra 'biển lớn' và 'chìm' ở… ao làng!

Năm 2021 chứng kiến nhiều chuyển động đáng chú ý của túc cầu giáo nước nhà.

 

Có thể kể đến các sự kiện: Tiền đạo Nguyễn Văn Quyết (Hà Nội FC) giành danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam 2020; Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai đóng cửa, chính thức dừng hợp tác với JMG sau 14 năm gắn bó; Liên đoàn Bóng đá Việt Nam điều chỉnh nội dung hợp đồng, qua đó HLV Park Hang Seo sẽ không còn dẫn dắt Đội tuyển U23 Quốc gia… Song trên hết, việc Đội tuyển Việt Nam lọt vào vòng Ba World Cup 2022 (khu vực châu Á) đồng thời trở thành nhà cựu vô địch AFF Cup là hai sự kiện nổi bật, thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo người hâm mộ.

Ở vòng loại thứ hai World Cup 2022, thầy trò HLV Park Hang Seo đã xuất sắc giành ngôi vị thứ hai bảng G (sau UAE) với 17 điểm/8 trận; trở thành 1 trong 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất để “sánh vai” cùng 11 “ông lớn” khác của châu lục tại vòng loại thứ ba. Song, oái ăm thay! Dẫu đã vươn ra “biển lớn” nhưng “lữ đoàn đỏ” lại chết chìm ở “ao làng” Đông Nam Á. Không thể vượt qua Indonesia để giành ngôi vị đầu bảng B, AFF Cup 2020, Đội tuyển của chúng ta tiếp tục bất lực trong việc tìm đường vào khung thành đội tuyển Thái Lan trong suốt 180 phút bán kết.

Dĩ nhiên, những người yêu “sắc đỏ” có thể vin vào sự thiếu chính xác của trọng tài để bào chữa cho việc “những ngôi sao vàng” sớm trở thành nhà cựu vô địch AFF Cup, nhưng nếu nhìn nhận một cách công bằng và sòng phẳng thì “người Thái” vẫn nhỉnh hơn, ở cả thực lực lẫn sự tinh quái, chính xác trong chiến thuật, con người. Giữa hai thái cực, một đằng là đại diện duy nhất Đông Nam Á lọt vào tốp 12 đội mạnh nhất châu Á; “cực” còn lại là thầy trò HLV Park Hang Seo dễ dàng thất thủ ở trận bán kết lượt đi AFF Cup 2020 (thậm chí không thể giành vị trí đứng đầu vòng bảng) - không ngạc nhiên khi truyền thông đã đặt dấu hỏi lớn về danh xưng “anh cả khu vực” đối với thầy trò HLV Park Hang Seo.

Nhìn tổng thể, cả hai giải đấu (vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup 2020), dẫu “tay trắng”, nhưng Công Phượng, Văn Toàn, Quang Hải, Tiến Linh cùng đồng đội tỏ ra không hề lép vế trước các đối thủ sừng sỏ. Nhất là hai bận đối đầu với “đối thủ truyền kiếp” Thái Lan, các học trò của vị chiến lược gia người Hàn Quốc đã thi đấu rất sòng phẳng, thậm chí còn vượt trội so với “voi chiến” về số cơ hội cũng như thời gian kiểm soát bóng. Quan trọng hơn, cách tiếp cận trận đấu: Chủ động, sẵn sàng chơi đôi công cho thấy, những đàn em của Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Minh Chiến đã rũ bỏ được trạng thái “căng cứng” trước “người Thái” vẫn đeo bám dai dẳng nhiều thế hệ cầu thủ nước nhà trong hơn hai thập kỷ vừa qua. Đây chính là “liều thuốc an thần” rất lớn đối với người hâm mộ, là thành tích đáng tự hào mà Đội tuyển đã làm được ở một giải đấu hoàn toàn thất bại về mặt danh hiệu.

Đội tuyển Việt Nam đã trở thành nhà cựu vô địch AFF Cup.

Ở khía cạnh khác, diễn biến vòng loại thứ ba cho thấy, giấc mơ Wolrd Cup của hàng triệu khán giả cả nước vẫn là câu chuyện ở “thì tương lai”. Trước các đội thủ vượt trội về đẳng cấp, dù đã rất nỗ lực song những học trò của “thày Park” đã không thể kiếm nổi, dẫu chỉ 1 điểm sau 6 lượt trận.

Với giải chuyên nghiệp Quốc gia, năm 2021 là mùa bóng rất ảm đảm khi lần đầu tiên trong lịch sử, Ban tổ chức không thể tìm ra chủ nhân của chiếc cúp vô địch. Ý thức được thực tế, rằng quả bóng V.League lăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát nên trước mùa giải, các nhà tổ chức đã lên sẵn tới… vài kịch bản (phân nhóm, chia giai đoạn). Trong đó đáng chú ý là phương án tổ chức V.League theo kiểu “đánh du kích”: Đá khi dịch bệnh tạm lắng, còn Covid-19 bùng phát thì tất cả lại “án binh bất động”. Nhưng trước áp lực từ chính các đội bóng, cùng với sự eo hẹp của thời gian, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cùng 27/27 đội bóng hạng Nhất lẫn chuyên nghiệp đã buộc phải ra thông báo “hủy”, đồng nghĩa V.League 2021 không có đội vô địch cũng như tập thể phải xuống hạng.

Xét một cách công bằng và sòng phẳng, túc cầu giáo nước nhà đã có một năm rất thành công, đặc biệt là hành trình chinh phục vòng loại World Cup 2022 của Đội tuyển Quốc gia (việc V.League 2021 không thể “về đích” là do yếu tố khách quan). Nhưng như đã nói, “kỷ lục ngược” - thua “toàn tập” 6/6 trận ở vòng loại thứ ba cho thấy, phía sau hào quang là không ít vấn đề như chiến lược, đào tào trẻ, giải pháp nâng tầm đội tuyển… mà các quan chức bóng đá nước nhà cần sớm có giải pháp để những gì đã đạt được không phải là thăng hoa nhất thời./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận