Tránh 'vết xe đổ' của bóng đá xứ Chùa vàng!

Không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia, với Đội tuyển Việt Nam, sân chơi châu lục vẫn là khoảng cách diệu vợi.

 

Cho dù các học trò của huấn luyện viên (HLV) Park Hang Seo đã rất nỗ lực nhưng vẫn phải ngậm ngùi gác lại “giấc mơ World Cup” khi vòng loại thứ ba khu vực châu Á mới đi được nửa chặng đường.

Không phải kết quả đối đầu với Saudi Arabia hôm 16/11/2021 vừa qua mà thất bại 0-1 trước đội bóng đến từ xứ sở mặt trời mọc trước đó 5 ngày đã đặt “dấu chấm hết” cho những “mơ mộng” của khán giả cả nước. Chúng ta buộc phải đối diện với sự thật (mà không ít người hâm mộ cố tình lảng tránh), rằng so với các đội tuyển hàng đầu châu lục, thầy trò ông Park Hang Seo vẫn ở “chiếu dưới”. Và rằng: Tấm vé tham dự World Cup, tưởng khá “gần” nhưng thực tế còn rất “xa”.

“Gần” bởi những trận thua sát nút 0-1 (trước Australia ngày 7/9/2021, trước Nhật Bản ngày 11/11/2021) và nhất là trong trận cầu rượt đuổi tỉ số ngoạn mục tại UAE rạng sáng ngày 8/10 trước Trung Quốc. “Gã láng giềng” chỉ có thể thở phào nhẹ nhõm nhờ bàn thắng của tiền vệ Wu Lei ở phút bù giờ thứ năm (90+5). Tất cả những thông số ấy đã tạo ra ảo giác: Chúng ta đã tiến rất gần đến ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh!

Song nghiệt ngã thay là những trận thua sát nút ấy lại cho thấy khoảng cách rất xa giữa túc cầu giáo nước nhà so với đối thủ. Chẳng hạn như ở cuộc chạm trán với Nhật Bản, dù đội chủ sân Mỹ Đình nhập cuộc lấn lướt nhưng nền bóng đá số 1 châu lục đã nhanh chóng ổn định được thế trận. Và đáng nói hơn, dù là tranh chấp, đua tốc độ hay tận dụng tình huống, thể hình, kỹ thuật… thì “người Nhật” vẫn cho thấy, họ hơn hẳn chúng ta về đẳng cấp.

Và quan trọng hơn, trước thực tiễn “đắng ngắt” ấy, không ít người đã cảnh báo về một tấn bi kịch “hậu giấc mơ World Cup” mà đội bóng xứ Chùa vàng đi trước chúng ta 4 năm.

Đội tuyển VIệt Nam phải ngậm ngùi gác lại “giấc mơ World Cup” .

Hẳn chúng ta vẫn chưa quên cái lắc đầu thất vọng của đội trưởng đội tuyển Thái Lan Teerasil Dangda trên sân Saitama tối 28/3/2017 - cái lắc đầu không chỉ vì chán chường sau thất bại 0-4 trước Nhật Bản mà còn biểu thị cho sự bất lực của “người Thái” trước một trong những “ông kẹ” của bóng đá châu lục. Hơn lúc nào hết, đó là thời điểm mà Thái Lan có sự chuẩn bị rất chu đáo cho quyết tâm “ra biển lớn”. Ngoài sự dồi dào về lực lượng, quyết liệt của tinh thần, Thái Lan còn “bỏ túi tấm” Huy chương vàng SEA Games 2013, hai chức vô địch AFF Cup liên tiếp (năm 2014 và 2016) và một lần bước lên bục cao nhất tại King's Cup 2016, nhưng trước các đối thủ hàng đầu châu Á, Thái Lan chỉ giành được 1/24 điểm tối đa. “Người Thái” chợt nhận ra rằng, dẫu là “anh cả của bóng đá khu vực” thì giành vé World Cup vẫn là… điệp vụ bất khả thi.

Và quan trọng hơn, sau quãng thời gian thăng hoa ấy, bóng đá xứ Chùa vàng đã có tới non nửa thập kỷ rơi vào thoái trào. Họ dừng bước tại Bán kết AFF Cup 2018 bởi luật bàn thắng sân khách. Ở vòng loại thứ hai World Cup 2022, Thái Lan thậm chí còn đứng sau UAE, Việt Nam và Malaysia. Liên đoàn bóng đá nước này cũng đã thay tới ba vị HLV song cuộc khủng hoảng đường lối của bóng đá xứ Chùa vàng vẫn chưa thấy lối thoát. Trong cơn bế tắc, Thái Lan đã tính tới nước đưa Kiatisuk - người đã thất bại tại vòng loại thứ ba Wolrd Cup 2018 - trở lại băng ghế huấn luyện.

Cứ theo lý ấy mà suy thì việc đội tuyển Việt Nam “thất bại toàn tập” trong chuyến phiêu lưu cạnh tranh suất tham dự World Cup 2022 chưa hẳn đã là thảm họa. Kết cục bi thảm nhất chính là “hậu giấc mơ World Cup”, không loại trừ khả năng sân cỏ nước nhà sẽ đi vào “vết xe đổ” của “người Thái” - “vết xe đổ” không xuất phát từ thất bại ở vòng loại thứ ba World Cup khu vực châu Á mà đến từ sự ảo tưởng về “cú vươn vai thần kỳ” của một nền bóng đá còn “con” và “xanh” để rồi dẫn đến rối loạn trong hoạch định đường lối, chiến lược.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận