Trước thời điểm trận Bán kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2018 giữa đội tuyển Việt Nam với đội tuyển Philippines (thầy trò ông Park Hang Seo giành chiến thắng với tỉ số 2-1), vé xem trận lượt về đã được VFF mở bán công khai bằng hình thức online. Theo lý giải của Liên đoàn, hình ảnh khán giả Việt Nam chen lấn, xô đẩy, thậm chí giẫm đạp lên nhau để giành giật từng tấm vé tại vòng bảng (trận Việt Nam - Malaysia) quá phản cảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không đảm bảo về an ninh nên VFF quyết định cắt “kênh” phát hành trực tiếp tại các quầy vé. Ngoài một nửa số vé dành cho đội khách, bán qua đường công văn và để đối ngoại, 20.000 tấm vé còn lại được bán qua internet, “ai nhanh tay thì được” còn “trâu chậm” buộc phải… uống nước đục!
Động thái này chí ít cũng phản ánh sự “lắng nghe” của các quan chức bóng đá nước nhà bởi lâu nay dư luận vẫn luôn nghi ngờ sự thiếu minh bạch trong công tác phát hành vé từ VFF. Bao nhiêu vé chính thức được bán ra (?), con số thực tế có “khớp” với báo cáo của VFF luôn là những câu hỏi mà có lẽ chỉ… VFF mới biết.
Không những thế, khi công khai lượng vé trận Việt Nam - Philippines, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cũng “chua” thêm rằng: Quy trình bán vé có sự tham gia của 3 tổ chức, ngoài Liên đoàn còn có đơn vị cung cấp nền tảng kỹ thuật (thống kê lượng khách truy cập, đăng ký thành công) và Bưu điện Việt Nam (chuyển vé tới các địa chỉ đăng ký). Nói cách khác, Liên đoàn có tới 2 “nhân chứng” xác nhận yếu tố minh bạch trong khâu phát hành.
Song “mưu sự tại nhân”, còn thành sự lại do… nhiều yếu tố khác. Chỉ ít phút sau khi thời điểm bán vé online có hiệu lực, cả 4 website của VFF đều rơi vào trạng thái tắc nghẽn. Theo ông Lê Hoài Anh, lúc cao điểm có tới 1,7 triệu cú “kích chuột”, tương ứng với 250.000 IP (địa chỉ truy cập). Với sự chênh lệch khủng khiếp giữa “cung” và “cầu” này, website của VFF không “sập” mới lạ!
Chẳng cần phải đứng ở vị thế là cơ quan điều hành bóng đá cao nhất nước nhà, chỉ cần có chút am tường về sân cỏ quốc nội, người ta sẽ dễ dàng dự đoán được phương án bán vé online sẽ không giải quyết được gốc rễ của vấn đề (vé đến tay người hâm mộ chân chính). Diễn biến sân cỏ nước nhà đã chứng minh, với những trận cầu tâm điểm, chưa bao giờ sân vận động Mỹ Đình có thể đáp ứng được hết nhu cầu thưởng lãm của người hâm mộ. Nói cách khác, VFF chính là đối tượng nắm rõ nhất nguy cơ “sập mạng” khi phát hành vé online, dẫu số lượng đã được nâng lên 2 vạn vé bán ra.
Điều này có nghĩa trong sự cố “cháy vé” từ vòng bảng đến vòng Bán kết AFF Suzuki Cup 2018, Liên đoàn mới chỉ cố gắng và phần nào muốn chứng tỏ mình cũng “trong sạch” trong khâu phát hành, còn vé có đến được tay khán giả hay không thì dường như VFF... không quan tâm!