Mâu thuẫn nơi 'thượng tầng' VPF!

BBất chấp thực tế là giải Bóng đá vô địch Quốc gia đang 'đóng băng' do dịch bệnh Covid-19, VPF vẫn 'nóng hầm hập' bởi 'cuộc chiến đơn thư'.

 

Chừng một tháng trước, có tới 6 đội bóng đồng loạt gửi kiến nghị tới Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), yêu cầu tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để điều chỉnh một số mặt còn hạn chế của VPF. Không phủ nhận, với một mùa giải mà Ban tổ chức phải nhiều lần bấm lệnh “dừng” rồi sau đó là “hủy” toàn bộ kết quả như V.League 2021, cộng thêm việc cả làng đều “lao đao” vì tài chính (CLB T.Quảng Ninh thậm chí phải dừng hoạt động vì không thể thanh toán lương, thưởng cho cầu thủ), việc VPF “ngồi lại với nhau” để rút kinh nghiệm là hết sức cần thiết. Ở góc độ khác, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 để lại những tác động tiêu cực đến mọi ngành nghề, hoạt động của xã hội thì sân cỏ sao có thể không bị ảnh hưởng! Vì vậy, những điều “chưa tới”, “chưa đạt” của VPF trong quản lý, điều hành ít nhiều cần được cảm thông.

Song, thật bất ngờ là những điều mà người hâm mộ cảm thấy “cần thiết” (tổ chức đại hội bất thường) và “nên thông cảm” (công tác tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh) đều không xảy ra. Trong văn bản phúc đáp ngày 26/9/2021 vừa qua, lãnh đạo VPF khẳng định yêu cầu của 6 CLB không được chấp thuận bởi một lý do ít ai ngờ là đề nghị này vi phạm… Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của VPF.

Điều này khiến người hâm mộ không thể không băn khoăn: Tại sao một đề xuất tưởng chừng “rất phải” của 6 đội bóng lại bị “gạt” đi? Và quan trọng hơn, phản hồi của VPF sao không đi thẳng vào nội dung của kiến nghị (?) mà lại dựa vào lý do rất “trời ơi đất hỡi” là… chưa đúng quy định (tức Luật Doanh nghiệp).

Để tìm đáp án cho những câu hỏi này, cần lật lại một số chuyển động trong quá khứ. Từ nhiều tháng trước, người đừng đầu các CLB: Hải Phòng, Hoàng Anh Gia Lai (2 trong 6 tập thể nói trên) đã hơn một lần đăng đàn, phàn nàn về năng lực điều hành của VPF, mà cụ thể là Chủ tịch Trần Anh Tú. Xa hơn nữa, từ thời điểm ông Trần Anh Tú đắc cử vị trị Chủ tịch VPF, ông bầu Đoàn Nguyên Đức của đội bóng đóng đại bản doanh tại Cao nguyên Pleiku đã nhiều lần kêu gọi vị Chủ tịch họ Trần “nhả bớt ghế” (ông Tú hiện còn kiêm nhiệm Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam). Vì lẽ đó, nhiều khả năng tại Đại hội Cổ đông bất thường (nếu diễn ra) sẽ chứng kiến việc “liên minh 6 CLB” hợp sức “đẩy” ông Trần Anh Tú “văng” khỏi vị trí đứng đầu. Nói cách khác, đề xuất tổ chức Đại hội của 6 đội bóng nhiều phần là động thái “giương đông kích tây” - lấy lí do “kiểm điểm, rút kinh nghiệm” để chớp thời cơ “kiện toàn nhân sự”.

Giải Bóng đá vô địch Quốc gia đang “đóng băng” do dịch bệnh Covid-19, VPF vẫn “nóng hầm hập” bởi “cuộc chiến đơn thư” giữa đại diện một số CLB với lãnh đạo VPF xung quanh đề xuất tổ chức Đại hội cổ đông bất thường.

Chủ tịch VPF Trần Anh Tú có lẽ cũng dự cảm được điều này nên đã chủ động “né đòn”! Tuy nhiên, như chúng tôi đã phân tích, người đứng đầu VPF không thể từ chối đề xuất một cuộc họp tổng kết bởi đấy là yêu cầu chính đáng; nên đành viện dẫn lý do “vi phạm Luật Doanh nghiệp và Điều lệ VPF” để bác bỏ. Về lý thuyết thì VPF hoàn toàn đúng khi thông qua một đề xuất vi phạm Điều lệ.

Tóm lại, từ lá đơn kiến nghị (của các CLB) đến văn bản phúc đáp (của VPF) đều cho thấy sự “cao tay” của người đứng đầu các đội bóng cũng như lãnh đạo VPF. Họ rất hiểu nhau, “đọc vị” nhau một cách chính xác. Nhưng đáng nói hơn, phía sau những văn bản đi - lại của các lãnh đạo chính là thông điệp gián tiếp: “Thượng tầng kiến trúc” của hai giải bóng đá cao nhất quốc gia (V.League và giải hạng Nhất) đang “có biến”; giữa các ông bầu và lãnh đạo VPF là những mâu thuẫn, bất đồng quan điểm khó có thể điều hòa.

Đây chắc chắn là những tín hiệu không vui với những tín đồ túc cầu giáo chân chính bởi trong bối cảnh sân cỏ cả nước hiện như một “mớ bòng bong” - rất cần sự đồng tâm nhất trí từ các lãnh đạo nhưng họ thì vẫn mê mải “đấu” nhau!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận