Cổ nhân từng nói: “Gái có công, chồng chẳng phụ”, nhưng với Futsal, dẫu đã có công lớn nhưng một cú hích đủ mạnh cho sân chơi này thì vẫn đang trong… “chế độ chờ”!
Để có cái nhìn toàn diện về thực trạng Futsal nước nhà, hãy nhắc lại những chuyển động đáng lưu ý tại giải Giải Fustal Vô địch Quốc gia HDBank 2017, gắn với sự kiện câu lạc bộ Kim Toàn Đà Nẵng (KT.ĐN) được “tái sinh”. Trong quá khứ, KT.ĐN ít nhiều đã để lại ấn tượng cho người hâm mộ cả nước khi tập thể này từng ba lần tham dự giải Vô địch Futsal quốc gia, các năm: 2012, 2013 và 2014. Ấy thế nhưng, cuối mùa 2014, lãnh đạo CLB đã gây sốc với cả làng khi quyết định bỏ futsal và đầu tư vào… bóng đá bãi biển.
Một thực tế không thể phủ nhận là cả futsal cũng như sân cỏ, sự kiện một ông bầu bỏ bóng đá chẳng hiếm hoi. Đặc biệt là ở V.League, việc một nhà tài phiệt sau vài ba năm đầu tư chợt nhận thấy “thu không đủ bù chi” thì hành động “bỏ bóng đá chạy lấy người” có thể xem như kết cục tất yếu. Song, ở KT.ĐN, đó không phải “cuộc tháo chạy” mà là “chuyển đổi mặt hàng kinh doanh” (từ futsal sang bóng đá bãi biển) của ông bầu. Chuyển động cho thấy, ở dải đất hình chữ S, futsal từng bị xem như một món hàng thiếu sức hút, không đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng.
Chẳng phải thế sao khi mà ở giải Futsal vô địch Quốc gia 2016, sau khi điểm mặt anh tài, người ta đã không thể không bàng hoàng trước thực trạng: Ông Trần Anh Tú (hiện là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - đơn vị điều hành V.League) là chủ tịch CLB Thái Sơn Nam nhưng cũng “nắm ống thở” của gần một nửa số đội tham dự. Đáng nói hơn, nếu như ở giải bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia, chuyện “một ông chủ nhiều đội bóng” từng là một trong những nguyên nhân gây “nổi sóng” trong các cuộc họp của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thì ở sân bóng futsal, “bầu Tú” lại công khai thừa nhận điều này. Biết chuyện “một ông chủ nhiều đội bóng” rất dễ nảy sinh tiêu cực nhưng không ai hy vọng ông Tú “nhả” bớt vài đội bởi việc ngừng tài trợ cũng đồng nghĩa có tới 3 - 4 CLB sẽ bị ký… giấy báo tử.
Nói cách khác, ở xứ ta, futsal như một món hàng quanh năm ế ẩm, chẳng mấy ai quan tâm nên luôn phải đối mặt với tình trạng “đói” nhà tài trợ mà sự kiện 5 năm trước, đội tuyển futsal Quốc gia gây nên “cơn địa chấn” khi lọt vào vòng 1/8 (phải dừng bước trước chính đội tuyển Nga) cũng chưa thể tạo ra lực hút đủ mạnh với các ông bầu cũng như doanh nghiệp.
Trở lại việc Đội tuyển Futsal Việt Nam tái lập kỳ tích lọt vào vòng 1/8. So với FIFA Futsal World Cup Colombia 2016, năm mà Đội tuyển phải cậy nhờ tới tài thao lược của nhà cầm quân ngoại quốc Bruno Garcia nhưng cũng chỉ giành được 3/9 điểm tối đa để lách qua “khe cửa hẹp” bằng tấm “vé vớt” thì lần này (FIFA Futsal World Cup 2021 tại Lithuania), dưới sự chỉ đạo của thầy nội Phạm Minh Giang, những Đoàn Phát, Văn Hiếu cùng đồng đội đã “hiên ngang” tiến vào vòng đấu loại trực tiếp sau khi giành thắng lợi thuyết phục trước Panama, cầm hòa Đội tuyển Séc (trận thua duy nhất ở vòng bảng là trước nhà đương kim Á quân thế giới Brazil).
Thành tích ấy đã đem lại cho Đội tuyển tổng số tiền thưởng 1,75 tỉ đồng. Con số này, dĩ nhiên chẳng “bõ bèn” gì so với các khoản “thưởng nóng” trên sân cỏ; tiền thưởng cũng chủ yếu đến từ các đơn vị đào tạo, điều hành (Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam thưởng 200 triệu đồng, tổng tiền thưởng từ VFF là 1,3 tỉ đồng). Song trong tấm vé vào vòng 1/8 FIFA Futsal World Cup 2021, Đội tuyển đã có sự đồng hành của các doanh nghiệp. Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cùng HDBank và City Land đã thưởng 200 triệu đồng cho ĐT Futsal Việt Nam. Cũng cần nói thêm là từ 4 năm trước, VOV đã ký văn bản hợp tác tổ chức Giải Vô địch Quốc gia Futsal và Cúp Quốc gia Fusal trong 3 năm (từ 2017 đến 2019). Đây thực sự là những tín hiệu tốt, hy vọng có thể tạo hiệu ứng để có thêm doanh nghiệp, không chỉ “hà hơi tiếp sức” trong chốc lát mà còn gắn bó lâu dài với futsal qua các gói tài trợ dài hạn.
Chỉ như vậy futsal Việt Nam mới có thể “sống vui, sống khỏe” để hướng tới những đích ngắm cao - xa hơn.