Trao đối với báo giới, người đứng đầu “đội bóng đất Mỏ” - Chủ tịch Phạm Thanh Hùng xác nhận: Đang hoàn tất các thủ tục pháp lý cuối cùng để “trả” đội bóng về cho tỉnh. Ông Hùng cũng không che giấu thực tế: Đội nhà đã nợ lương cầu thủ tới hơn nửa năm và không ít người trong số họ đang “lăm le” đưa Ban lãnh đạo CLB… ra tòa.
Than Quảng Ninh không phải đội bóng đầu tiên được trả về “chính chủ”. Vài năm trước, sau ba mùa giải “nhận” đội bóng bên bờ sông Mã, ông bầu Quyết của CLB FLC Thanh Hóa đã có thao tác tương tự. Dẫu vậy, người hâm mộ bóng đá tỉnh Thanh cũng chẳng quá lo lắng bởi chỉ ít lâu sau, đội nhà lập tức được một doanh nghiệp khác tiếp quản (Đông Á Thanh Hóa). Còn trước “triều đại” của “bầu Quyết”, Thanh Hóa FC cũng có hai phen được chèo lái bởi Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ và cũng chính “bầu Đệ” hơn một lần khẳng định trước truyền thông cả nước, rằng: Vì mệt mỏi nên đã vài bận xin “trả” đội bóng về cho tỉnh!
Chuyển động giải quốc nội hơn một thập kỷ gần đây đã chứng minh, bên cạnh những CLB hoàn toàn “đồng sinh, đồng tử” với doanh nghiệp như Hà Nội FC, Hoàng Anh Gia Lai… sân chơi “sang” nhất làng đã và đang tồn tại không ít tập thể vận hành theo mô hình doanh nghiệp đứng tên - “tỉnh” chống lưng. Theo đó, địa phương đề nghị một doanh nghiệp đứng ra tiếp quản; bù lại, “tỉnh” sẽ cấp cho một ngân khoản cố định trong mỗi mùa giải hoặc tạo điều kiện để ông chủ “rộng cửa làm ăn”. Lấy dẫn chứng từ chính T.Quảng Ninh, như xác nhận của “bầu Hùng”, theo thỏa thuận ban đầu, mỗi năm, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh sẽ “tác động” để tập đoàn Than Khoáng sản tài trợ cho đội bóng chừng 35 tỷ đồng (tuy nhiên, ngân khoản này chưa được giải ngân nên T.Quảng Ninh mới lâm vào tình cảnh “nợ ngập đầu” như hiện tại).
Cũng cần nói thêm, con số 35 tỷ đồng kia chỉ mang ý nghĩa “bề mặt”, “phần chìm của tảng băng” như thế nào thì chỉ “người trong cuộc” mới biết. Nói cách khác, ông bầu khi “nhận” CLB đều tỏ tường thực tế: Ở dải đất hình chữ S, một đội bóng chuyên nghiệp không thể “tự đứng vững” bằng nguồn thu từ đào tạo cầu thủ, tiền bán bản quyền truyền hình hay vé vào cửa… song vẫn chấp nhận “giao dịch” bởi họ đã nhìn thấy những quyền lợi vô hình qua việc “mặc cả” với địa phương (đổi lấy “lô đất này” hay “dự án khác”).
Điều đó cho thấy, việc “trả đội bóng” của ông Phạm Thanh Hùng không đồng nghĩa với giải thể T.Quảng Ninh và ở mức độ cao hơn, đó không thể là tờ “giấy báo tử” cho phong trào thể thao của địa phương nơi Đông Bắc tổ quốc. Nhìn vào lộ trình mà túc cầu giáo xứ Thanh từng kinh qua, không khó để hình dung kịch bản: Cũng như FLC Thanh Hóa, trước thềm mùa giải mới, CLB Than Quảng Ninh sẽ được chuyển giao cho một doanh nghiệp khác!
Nhìn nhận một cách khách quan thì việc “đội bóng đất Mỏ” được trả về cho “chủ” không hề biểu thị cho những “trục trặc” ở tầm vĩ mô (như mô hình, chiến lược) mà đơn thuần chỉ là hành động ông bầu “bỏ của chạy lấy người” trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang để lại những hệ quả rất tiêu cực đối với doanh nghiệp, người lao động.
Song dẫu sao đi nữa thì chuyển động nơi hậu trường T.Quảng Ninh cũng tái khẳng định một thực tế “đắng ngắt”: Mô hình “bóng đá - doanh nghiệp” ở V.League dẫu hiện diện dưới dạng thức nào đi chăng nữa thì đó vẫn mối quan hệ thiếu bền vững - khi “có biến”, ông bầu chẳng ngần ngại “đem con bỏ chợ”!