Thua “lấm lưng trắng bụng”
Trong số 18 VĐV nước ta sang Tokyo mùa hè này có người từng vô địch Olympic, có người từng vô địch Asiad, nhiều người khác từng giành huy chương châu lục và thế giới, song tất cả chẳng thể giúp đoàn thể thao Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra ở lễ xuất quân, đó là “có huy chương”.
Chưa cần so sánh xa xôi với châu lục hay thế giới, kỳ Olympic này, thể thao nước ta thua toàn diện so với nhiều đoàn thể thao láng giềng. Đoàn Thể thao Việt Nam có 17 suất dự Olympic Tokyo, đứng thứ 6 ở Đông Nam Á. 3 tháng trước ngày khởi tranh Olympic Tokyo, nước ta có chưa đến 10 suất trực tiếp, nhiều người nhận vé đến Nhật Bản sau này cũng chỉ đạt chuẩn B và đến theo diện được mời. Vì thế, con số 18 VĐV đến Tokyo thực chất có thể còn ít hơn nữa nếu như Ủy ban Olympic Quốc tế IOC nâng cao tiêu chuẩn như những kỳ Thế vận hội trước. Đó là về lượng, còn về chất, Thái Lan, Philippines và Indonesia có HCV, còn Malaysia có HCĐ… Thực tế đó nói lên điều gì, nhất là khi đoàn Việt Nam thường xuyên nằm trong tốp 3 các kỳ SEA Games gần đây?
BLV Quang Huy nhận định: “Tôi cho rằng chúng ta chuẩn bị cho Olympic năm nay không được tốt và hướng đi không được mạch lạc. Chúng ta sẽ phải rút ra những bài học sâu sắc và phải có hướng đi rõ ràng hơn. Chúng ta vẫn đối phó với SEA Games, vẫn tư duy theo kiểu SEA Games nên ra Olympic hoặc là tâm lý không tốt, hoặc là bị ngợp và không vượt lên được chính mình. Thể thao Việt Nam phải có những nội dung mũi nhọn để đầu tư mạnh”.
Vẫn là “sợi dây kinh nghiệm” trọng điểm và xã hội hóa!
Nhiều nguyên nhân được đưa ra khi “mổ xẻ” thất bại ở chiến dịch Olympic lần này, song bản chất vấn đề “không có gì mới”, vẫn là câu chuyện đầu tư trọng điểm vào điều gì và đầu tư như thế nào.
Nói đến chiến lược đầu tư, từ SEA Games đến Olympic, câu chuyện dài kỳ mang tên Nguyễn Thị Ánh Viên chưa bao giờ hết “nóng”. Trên đường đua xanh ở Nhật Bản, “tiểu tiên cá” một thời thua xa VĐV người Hồng Kông Trung Quốc Siobhan Haughey, từng là bại tướng của cô ở Thế vận hội trẻ Nam Kinh 2014, giải đấu mà Ánh Viên đã giành HCV… Sau 7 năm, một Siobhan được sự đầu tư đúng đắn, là chủ nhân của 2 tấm HCB Olympic. Còn Ánh Viên ngày càng xa rời đấu trường Olympic, dù được đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng thay vì một, hai nội dung sở trường, lại phải gồng mình cho mười mấy cự ly. Đó là bài học lớn.
Nhà báo Trương Anh Ngọc phân tích: “Chúng ta mải đi theo câu chuyện của SEA Games. Trong vòng ba năm tới cho một kỳ Olympic nữa, liệu chúng ta có những thay đổi nào đó không? Câu trả lời thuộc về các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách. Điều chúng ta chưa làm được so với các nước trong khu vực chính là tận dụng nguồn lực xã hội hóa”.
Ở Olympic lần này, Hoàng Xuân Vinh đã không thể bảo vệ tấm HCV nội dung 10m súng ngắn hơi nam khi chỉ đứng vị trí thứ 22 ở vòng loại nên không thể có mặt ở chung kết. Năm 2016, Vinh giành HCV, HCB Olympic bởi hội tụ nhiều yếu tố: Độ chín nhất về nghề và được tập huấn nước ngoài liên tục trong các năm 2014, 2015 cho đến trước khi dự đại hội ở Brazil. 2 năm qua, VĐV các nước cũng không được đấu các giải quốc tế, nhưng họ vẫn được tập trong điều kiện rất tốt, còn xạ thủ nước ta chỉ tập tại trường bắn Nhổn và phải tiết kiệm đạn. Đó là lý do cơ bản khiến bắn súng Việt Nam thất bại ở Olympic lần này. Một tượng đài như Hoàng Xuân Vinh còn chịu thiếu thốn như vậy, huống chi các vận động viên khác.
Ánh Viên 25 tuổi, độ tuổi đã “già” với môn bơi. Tương tự, Lê Thanh Tùng và Đinh Phương Thành, cùng 25 tuổi, cũng không còn ở giai đoạn sung sức nhất của thể dục dụng cụ. Sau kỳ Olympic này, xạ thủ 47 tuổi Hoàng Xuân Vinh hay tay vợt 38 tuổi Nguyễn Tiến Minh sẽ để lại khoảng trống mênh mông ở môn bắn súng và cầu lông… Cả một thế hệ VĐV tài năng đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp và ở góc nhìn tổng quát, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam đánh giá, đào tạo trẻ ở ta vốn đã yếu và thiếu, gần đây lại càng đi xuống thì tương lai thể thao Việt Nam chắc chắn sẽ rất khó khăn. “Tôi muốn nhấn mạnh đến đầu tư. Với cách đầu tư như bây giờ sẽ không đủ. Tôi có đọc các bản tổng kết của ngành thể thao trong các hội nghị với Bộ VH-TT&DL, trong nhiều năm, năm nào cũng kiến nghị tăng mức đầu tư cho thể thao. Năm nào cũng đề nghị nhưng nó sẽ thiếu mãi nếu như không đẩy mạnh xã hội hóa và huy động nguồn lực xã hội hóa. Vai trò của các liên đoàn thể thao và sự đóng góp của các mạnh thường quân sẽ giúp cho thể thao phát triển. Chúng ta đã có những môn thể thao chứng minh được điều ấy, như bóng đá và golf. Tôi nghĩ phải giải quyết khâu đấy. Luật Thể dục thể thao quy định 10 nhiệm vụ của các liên đoàn thể thao Quốc gia, nhưng trên thực tế quản lý Nhà nước đã không thúc đẩy nhanh quá trình chuyển giao 10 nhiệm vụ trong luật. Đấy là vấn đề quan trọng nhất, nó thuộc về cơ chế quản lý” - chuyên gia Nguyễn Hồng Minh nêu quan điểm.
Trưởng đoàn Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao khẳng định, sau Olympic, ngành thể thao sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, báo cáo và đề xuất với lãnh đạo Bộ VH-TT&DL để giải quyết bài toán đầu tư. “Với kết quả tại Olympic lần này, chúng ta càng thấy rõ về giải pháp đầu tư trọng điểm cho các VĐV để đến hai chu kỳ Olympic nữa, chúng ta sẵn sàng đến thế vận hội để tranh chấp huy chương” - ông Trần Đức Phấn, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic chia sẻ./.