Tìm giải pháp cho bóng đá quốc nội mùa dịch 'Đèn nhà ai, nhà nấy rạng'

Sau đề xuất 'giãn' các giải vô địch quốc nội sang tháng 2/2022, hiện chưa có giải pháp cho 3 sân chơi túc cầu giáo: V.League, giải hạng Nhất, cúp Quốc gía.

 

Do tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, cộng với việc Đội tuyển Quốc gia lọt vào “cửa ải” thứ ba vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á - cần nhiều thời gian để tập luyện và “tổng động viên” nhân lực - hơn chục ngày trước, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã họp khẩn và nhất trí giải pháp: Lùi sân cỏ quốc nội sang tháng 2 năm sau. Nội dung này nhanh chóng được gửi đến 28 cổ đông (tức 28 đội bóng) trước khi đệ trình lên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phê duyệt.

Song, đúng như nhận định của các chuyên gia, rằng: Phương án này sẽ không thể nhận được sự đồng thuận từ đa số cổ đông. Thật vậy, phản hồi từ các CLB khiến VPF không thể vui vẻ: Chỉ có 2 tập thể tán thành là T.Quảng Ninh và Bình Định FC. Không những thế, người đứng đầu “đội bóng đất cảng” còn đề nghị kết thúc V.League 2021 theo phương thức không có đội xuống hạng, chỉ tổ chức “trận chung kết” giữa Hoàng Anh Gia Lai và Viettel FC để tìm nhà vô địch. Huấn luyện viên trưởng CLB Nam Định, thậm chí còn đề xuất lấy luôn thứ hạng hiện tại của V.League 2021 sau vòng 12 làm căn cứ xác định thứ hạng, rồi thì “ai về lo việc nhà nấy”!

“Nguyên nhân của mọi nguyên nhân” - không gì khác ngoài vấn đề tài chính. Ai cũng biết, nếu phương án “lùi đến tháng 2/2022” được thông qua, VPF sẽ bảo lưu được các gói tài trợ, hợp đồng quảng cáo đã ký kết nhưng ngược lại, 28 CLB phải “nuôi báo cô” cầu thủ trong suốt thời gian “đợi bóng lăn trở lại”. Theo thống kê, quỹ lương trung bình của V.League thời điểm hiện tại dao động từ 1-1,5 tỉ đồng/ tháng. “Cứ theo lý ấy mà suy” thì mỗi tập thể sẽ “ném lên trời” chừng 10 tỉ đồng. Nghịch lý tương tự như vậy cũng xuất hiện, nếu các giải quốc nội chính thức khép lại mà không có đội xuống hạng, 28 cổ đông có thể “giải phóng” hàng loạt khoản chi theo lộ trình: Tiền di chuyển, thi đấu, tiền thưởng… Song, VPF lại “méo mặt” đền bù cho đối tác.

VPF đã họp khẩn và nhất trí giải pháp: Lùi sân cỏ quốc nội sang tháng 2 năm sau.

Không còn nghi ngờ gì nữa, trong nỗ lực tìm lối thoát cho V.League, giải hạng Nhất và cúp Quốc gia, nội bộ VPF đã phân định và hình thành hai “chiến tuyến” rõ rệt. Một “phe” là thành viên Hội đồng quản trị, “phe” còn lại là đa số các cổ đông. Điểm chung duy nhất là họ đều “chúng khẩu đồng từ”: Cần chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Nhưng đó phải là giải pháp không ảnh hưởng đến ngân khoản của mỗi tập thể. Nói cách khác, sự “thông cảm, sẻ chia” chỉ đồng nhất ở… chủ trương; còn thực tế thì không ai chịu ai, phe nào cũng quyết “giữ chặt hầu bao”, đẩy phần thiệt hại cho đối phương.

Dĩ nhiên, “đồng tiền đi liền khúc ruột” nên trong “cuộc chiến giải pháp” này chẳng thể nói ai đúng, ai sai (không phủ nhận cả Hội đồng quản trị lẫn cổ đông VPF đều có đủ lý do để khẳng định mình “có lý”), nhưng với thực trạng “đèn nhà ai, nhà nấy rạng” như hiện tại thì một giải pháp “vẹn cả đôi đường” cho VPF vẫn là câu chuyện ở… thì tương lai./.  

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận