Bài học từ các quốc gia trong khu vực

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, VPF đã quyết định để Giải bóng đá Chuyên nghiệp Quốc gia 'hoãn', đến ngày 12/2/2022.

 

Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã gửi văn bản đến các cổ đông và 27 CLB thuộc 2 giải đấu cao nhất Quốc gia về phương án tiếp tục tổ chức các Giải bóng đá Chuyên nghiệp Quốc gia 2021. Theo phương án này, sân chơi “sang” nhất làng sẽ bị bấm lệnh “hoãn” đến ngày 12/2/2022.

Cần phải nói ngay rằng, việc “dừng” V.League tới nửa năm không phải là giải pháp tối ưu. Cứ xem phản ứng từ các câu lạc bộ thì sẽ rõ. Trao đổi với báo giới, Chủ tịch “đội bóng đất Cảng” - Văn Trần Hoàn cho rằng đây là một “thất bại” của VPF trong công tác điều hành. Đồng quan điểm, Giám đốc điều hành câu lạc bộ Nam Định - Trần Thái Toán đã liệt kê không ít thiệt hại từ phía các CLB do vẫn phải chi trả tiền lương, phí sinh hoạt cho cầu thủ. Đó là chưa kể, kế hoạch tái khởi động V.League 2021 vào tháng 2 sang năm vẫn chỉ là… dự kiến, bởi từ nay đến đó, chẳng có gì đảm bảo sẽ không phát sinh những nguyên nhân khách quan khác.

Về phía các nhà làm giải, dường như họ cũng nhận thấy sự bất cập trong đề xuất này. Chẳng phải thế sao khi mà văn bản của VPF mong muốn các đội bóng “đề xuất thêm những giải pháp khác”? Nhưng việc hoãn giải là không thể không làm bởi ở tình thế hiện tại, ngoại trừ “hủy V.League 2021” thì đó là phương án (có thể nói là) duy nhất có thể áp dụng.

Điều quan trọng hơn là nếu việc hoãn các giải bóng đá trong nước (trong trường hợp phương án được thông qua) thì VPF sẽ làm gì trong khoảng thời gian nửa năm ấy. Sẽ tận dụng quãng nghỉ “bất đắc dĩ” này để cải tổ V.League hay đơn thuần là thụ động chờ dịch Covid-19 được kiểm soát?

Lấy Thai League 1 (giải bóng đá quốc nội cao nhất Thái Lan) làm điểm quan sát. Tháng 3/2020, khi quả bóng Thai League 1 buộc phải ngừng lăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, “người Thái” đã thay đổi toàn bộ thời gian tổ chức giải: Từ tổ chức trong một năm dương lịch cải tổ thành giải đấu “vắt” qua 2 năm theo phương thức của các quốc gia châu Âu. Qua đó giữ nguyên được các ràng buộc về hợp đồng tài trợ, bản quyền truyền hình. Các đại diện Thai League cũng lập tức triển khai nhiều giải pháp nhằm thích nghi với đại dịch như yêu cầu cầu thủ thỏa thuận lại tiền lương, thanh lý hợp đồng với ngoại binh, chỉ chấp nhận chi trả một khoản “phí giữ chân” với các trụ cột…

Giải bóng đá Chuyên nghiệp Quốc gia “hoãn” đến ngày 12/2/2022.

Ở trạng thái đối lập, như truyền thông đã phản ánh, cũng vì “con viruts Corona” mà Liga 1 (giải đấu cao nhất Indonesia) phải liên tục hoãn. Thậm chí, Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) từng quyết định hủy mùa giải 2020 vào ngày 19/1/2021. Đến thời điểm hiện tại, túc cầu giáo xứ Vạn đảo đã “đóng băng” tới 16 tháng và điều khiến lãnh đạo các đội bóng nước này cảm thấy phẫn nộ chính là PSSI đã không thể có quyết định để giải quyết dứt điểm tình trạng này (hoặc đưa giải đấu trở lại hoặc kết thúc một cách công khai, minh bạch).

Không còn nghi ngờ gì nữa, khi “cơn bão” mang tên “dịch Covid-19” đang càn quét và để lại những “dư chấn” hết sức nặng nề, đối với không chỉ sân cỏ trong nước mà còn là túc cầu giáo thế giới và mọi lĩnh vực, ngành nghề của xã hội; hơn lúc nào hết, điều mà các CLB V.League trông đợi từ phía VPF là một cơ chế vận hành thích hợp, một kế hoạch mang tính dài hơi, cụ thể nhằm giảm thiểu tổn hại về kinh tế cho các tập thể (cao hơn là chặn đứng nguy cơ “giải thể” từ một số đội bóng thuộc diện “con nhà nghèo”) chứ không phải chỉ “đi một bước, nghĩ một bước”, cứ tạm dừng V.League còn mọi hệ lụy liên quan thì… tính sau!.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận