Ngẫm từ chiến tích sân cỏ của Đội tuyển Việt Nam

Với trận thua 2-3 trước Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Đội tuyển Bóng đá VN đã lọt vào danh sách 12 tập thể tại vòng loại thứ 3 World 2022 khu vực châu Á

 

Vài năm trước, nếu nói đến viễn cảnh đội tuyển của chúng ta góp mặt tại vòng loại thứ 3 World Cup, có lẽ ai nấy đều cho rằng đó là “mơ giữa ban ngày”. Song, diễn biến sân cỏ quốc nội đã chứng minh: Giấc mơ vẫn có thể biến thành hiện thực, nếu hội đủ các yếu tố cần thiết.

Yếu tố đầu tiên chính là thực lực. Thực tế cho thấy, từ 3 năm trước những Quang Hải, Tiến Linh, Công Phượng, Văn Hậu cùng đồng đội đã cho thấy diện mạo của một “thế hệ vàng” khi vượt qua hàng loạt tên tuổi lớn của châu lục như Australia, Iraq hay Qatar để đi tới trận đấu cuối cùng. Vẫn những con người ấy, chừng 1 tháng sau, họ tiếp tục gây chấn động châu lục tại Asian Cup 2019 khi lọt vào vòng 16 đội: Đả bại Jordan và chỉ chấp nhận dừng bước trước Nhật Bản - tập thể xếp hạng 28 thế giới - với tỉ số tối thiểu 0-1.

Không những thế, trên đấu trường châu lục, người hâm mộ đã được diện kiến một Đội tuyển Việt Nam lì lợm và bản lĩnh. Cách nhập cuộc tự tin, sẵn sàng chơi “ăn miếng trả miếng” là hình ảnh hoàn toàn đối lập với những gì chúng ta từng thể hiện trong quá khứ. Đặc biệt là ở trận đấu cuối cùng của vòng bảng (gặp chủ nhà UAE), trong bối cảnh đội bóng áo đỏ có ngôi sao vàng nơi ngực trái bị dẫn trước tới 3 bàn, nhiều khán giả đã nghĩ tới kịch bản “vỡ trận” quen thuộc thì các học trò của huấn luyện viên Park Hang Seo đã cho thấy, họ không chỉ đứng vững trước áp lực lớn về mặt tỉ số mà còn tái thiết được thế trận, đấu pháp, đồng thời tìm kiếm được 2 bàn gỡ chỉ trong hơn chục phút. Không còn nghi ngờ gì nữa, đổi thay lớn nhất của bóng đá Việt Nam thời điểm hiện tại chính là chúng ta đã trút bỏ được tâm lý “nhược tiểu” trước các đối thủ mạnh.

Dĩ nhiên, trong thành công của Đội tuyển Việt Nam, không thể không nhắc tới năng lực, trí tuệ của ông thầy ngoại Park Hang Seo. Từ tuyển chọn nhân sự, sắp xếp đội hình, lên đấu pháp,… vị chiến lược gia người Hàn Quốc đều cho thấy sự sắc sảo, hiệu quả. Không chỉ có thế, những chuyển động nơi hậu trường đội tuyển như “tập kín”, chỉ đạo học trò đổi số áo trong các buổi tập để gây nhiễu loạn thông tin… đều biểu thị cho sự tỉ mỉ, cẩn thận “đến từng chi tiết” của “thầy Park”.

Minh Vương đã thể hiện xuất sắc trong trận dấu với UEA.

Quan trọng hơn, như HLV Park Hang Seo không ngừng nhắc nhở học trò: Không được “ngủ quên trên chiến thắng” - theo thống kê, độ tuổi trung bình của của đội tuyển Việt Nam tham dự Vòng loại thứ 2 World Cup 2022 rất lý tưởng (chưa đến 25); cứ theo lý mà suy thì túc cầu giáo nước nhà đang có sự đảm bảo về nhân sự, ít nhất là trong dăm ba mùa bóng tới.

Nhưng như thế không có nghĩa các nhà quản lý, điều hành bóng đá nước nhà có thể “kê cao gối ngủ”. Lấy giải vô địch Quốc gia làm điểm quan sát, vài ba mùa giải gần đây, các lò đào tạo danh tiếng như Hà Nội FC, Hoàng Anh Gia Lai, Sông Lam Nghệ An hầu như không giới thiệu được gương mặt trẻ nào khả dĩ. Có lẽ vì thế nên trong bản danh sách cầu thủ mà HLV Park Hang Seo mang tới UAE, dường như chỉ có chân sút trẻ thuộc biên chế T.Quảng Ninh là Hai Long ít nhiều quen thuộc với người hâm mộ. Điều này có nghĩa trong thành công của Đội tuyển Việt Nam vẫn gợn chút âu lo về cái gọi là “lứa kế cận”.

Rõ ràng, hào quang tại vòng loại thứ 2 World 2022 khu vực châu Á đang yêu cầu Liên đoàn Bóng đá nước nhà có giải pháp thích hợp, kịp thời từ “giành” đến “giữ” vinh quang!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận