Ở bộ môn túc cầu giáo (cũng như nhiều môn thể thao khác) đang có những giá trị tinh thần vô giá, không thể đong đếm. “Tuyển thủ Quốc gia” là khái niệm, thậm chí “có tiền cũng không mua được”. Song, dù thế nào đi nữa thì “thưởng nóng” vẫn được các cầu thủ rất quan tâm.
Lấy “cơn mưa tiền” sau chức vô địch AFF Cup 2018 của đội tuyển chúng ta làm điểm quan sát. Năm đó, sau khi giành ngôi “vương” bóng đá khu vực, đã có chừng 30 tỷ đồng tiền thưởng và hiện vật hứa hẹn sẽ được trao cho đội tuyển Việt Nam. Càng đáng nói hơn khi ở giải đấu năm ấy, mẹ đẻ của Phan Văn Đức (cầu thủ ghi bàn ấn định chiến thắng 2-1 cho đội nhà trong trận Bán kết lượt đi gặp Philippines) đăng đàn tiết lộ: Trước và trong AFF Cup 2018, thù lao mà cậu “quý tử” của bà nhận được tại câu lạc bộ chủ quản chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng. Điều này có nghĩa, ngoài danh tiếng thì thành tích mà thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo đạt được đã mở ra cơ hội để các cầu thủ “thoát nghèo”, thậm chí là trở thành… tỷ phú chỉ sau một đêm. Vì lẽ đó, không thể phủ nhận khoản “tiền tươi thóc thật” mà Liên đoàn hứa thưởng là “liều doping” mà giới “quần đùi áo số” nước nhà hết sức trông đợi.
Ấy thế nhưng, với VFF, nếu vai trò của tổ chức này chỉ dừng ở khái niệm “treo thưởng”, “chia thưởng” và… “trao thưởng” (giống các doanh nghiệp) thì xem ra chưa đủ.
Ai cũng biết, trong đội hình đội tuyển bóng đá quốc gia hiện có rất nhiều gương mặt trẻ triển vọng. Theo nhận định của các chuyên gia, nếu được đầu tư đúng hướng, những Tiến Linh, Quang Hải, Văn Hậu… hoàn toàn có thể tiệm cận trình độ châu lục. Nói cách khác, sự động viên, khích lệ bằng vật chất là cần thiết nhưng điều quan trọng hơn là, không còn quá sớm để VFF vạch ra một lộ trình để phát huy hết tiềm năng của “thế hệ vàng” mà bóng đá nước nhà đang sở hữu.
Lấy ví dụ từ chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008 cách đây hơn một thập kỷ. Những Công Vinh, Tài Em, Minh Phương, Việt Thắng… sau khi đưa đội nhà lên ngôi vô địch, hỉ hả chia nhau những món tiền thưởng kếch xù rồi tất cả lại được… trả về câu lạc bộ. Thực tế sân cỏ quốc nội những năm qua đã chứng minh: chuyện những tài năng trẻ của bóng đá nước nhà chỉ được chơi tại giải V.League không những không giúp họ phát huy hết tiềm năng mà còn đem lại sức ỳ cùng tâm lý “an phận”. Bằng chứng là kể từ đó đến trước AFF Cup 2018, vẫn ngần ấy gương mặt nhưng đội tuyển của chúng ta không thể một lần nữa đoạt ngôi quán quân ở sân chơi khu vực chứ chưa nói tới việc thoát khỏi “ao làng Đông Nam Á”.
Như đã nói, sân cỏ quốc nội đang sở hữu không ít cầu thủ chất lượng (trước lượt trận thứ 7 vòng loại thứ 2 World Cup 2022, Đội tuyển Việt Nam vẫn dẫn đầu bảng G với 14 điểm) song rõ ràng, phía sau những chỉ số hết sức ấn tượng là không ít vấn đề cốt tử về dụng nhân, chiến lược phát triển cầu thủ đòi hỏi Liên đoàn - song song với việc “thưởng nóng”, cần sớm có lộ trình cụ thể.
Không giải quyết được những vấn đề thuộc tầm vĩ mô, cũng có nghĩa Liên đoàn đang tự xem mình như một doanh nghiệp, chỉ biết “treo thưởng” và… “trao thưởng”!