Khi trượt băng và roller 'về chung một nhà'

Liên đoàn Trượt băng Việt Nam mới đây đã đề nghị Bộ Nội vụ cho phép đổi tên thành Liên đoàn Trượt băng và Roller Việt Nam.

 

Việc đưa thêm nội dung roller vào thi đấu quốc gia xuất phát từ thực tế cuộc sống ở nước ta.

Tại Việt Nam, chúng ta rất dễ bắt gặp hình ảnh nhóm các bạn trẻ nam nữ, thậm chí cả các em học sinh tiểu học vi vu trên đôi giày trượt patin ở những nơi công cộng như: công viên, vỉa hè hay khu chung cư. Nhưng ít người biết rằng trượt patin còn có tên gọi quốc tế chuyên nghiệp, đó là roller sport.

Việc “kết duyên” giữa trượt băng và roller hứa hẹn sẽ mở ra tương lai tươi sáng cho cả 2 môn thể thao thuộc hệ thống Olympic này. Mới được thành lập vào năm 2018, Liên đoàn Trượt băng Việt Nam đã tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế, được Liên đoàn Trượt băng thế giới công nhận là thành viên lâm thời ở 2 nội dung trượt băng nghệ thuật và trượt băng tốc độ. Tuy vậy, môn trượt băng ở nước ta gặp không ít khó khăn từ công tác huấn luyện, thi đấu cho đến quá trình hình thành hệ thống các sân băng, mà số lượng đến nay vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay… Còn với môn roller, dù đang có sự phát triển sâu rộng qua phong trào patin một hàng bánh, thì nhiều năm qua vẫn chỉ có thể khoác tấm áo “nghiệp dư” do chưa có liên đoàn.

HLV Đường Văn Tuấn, Trưởng nhóm PatinGOX Academy chia sẻ: “Bộ môn roller không yêu cầu sân bãi quá khắt khe như trượt băng. Hà Nội chỉ có 1 sân trượt băng thôi. Chi phí cho luyện tập trượt băng khá cao, trang thiết bị phải đặt mua từ nước ngoài, còn roller sẽ dễ hơn. Khi có Liên đoàn rồi, roller sẽ được nhìn nhận, không còn là môn thể thao đường phố nữa. Vì thế sẽ có các tổ chức đứng sau hỗ trợ, tài trợ để các VĐV cũng như HLV hoạt động. Hy vọng, roller có thể tham gia thi đấu ở đấu trường SEA Games”.

Việc đưa thêm nội dung roller vào thi đấu quốc gia xuất phát từ thực tế cuộc sống ở nước ta.

Ở các nước có môn thể thao mùa đông phát triển mạnh, vào mùa hè hoặc thậm chí khi cần rèn thể lực, VĐV trượt băng vẫn thường dùng roller để tập trên mặt bê-tông, hay còn gọi là hình thức tập off-ice, off-snow. Do đó, VĐV của 2 bộ môn này có thể hoán đổi cho nhau. “Roller có lợi thế là đã có phong trào. Số lượng người tham gia môn roller cao gấp 5 - 10 lần trượt băng. Khi roller được công nhận, bằng các giải đấu, các sự kiện, roller sẽ thu hút được truyền thông” - ông Nguyễn Việt Nam, Phó chủ tịch Liên đoàn Trượt băng Việt Nam cho biết.

Liên đoàn Trượt băng và Roller Việt Nam sắp thành lập và bên cạnh đó còn có tin vui khác. “Tổng cục TDTT quyết định đưa môn trượt băng và sắp tới đây là môn roller vào hệ thống quản lý Nhà nước của Tổng cục TDTT, và môn thể thao này được đưa về quản lý tại Vụ Thể thao thành tích cao 2. Trong tương lai, hai môn này rất phù hợp với chúng ta, chúng ta có thể phát triển và xã hội hóa tốt” - ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT xác nhận.

Nhiều năm qua, Việt Nam có rất nhiều vận động viên giành được huy chương trong các giải đấu trượt băng và roller quốc tế. Đó cũng là động lực, là cơ sở để những người có tâm huyết quyết tạo nên “mối lương duyên” cho 2 môn thể thao Olympic này. Hy vọng khi đã “về chung một nhà”, trượt băng và roller nước ta sẽ sớm tạo ra bước phát triển đột phá./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận