'Thay tướng' có đồng nghĩa với 'đổi vận'?

V.League 2021 chưa đi hết giai đoạn 1 nhưng đã có tới 8 ông thầy phải rời băng ghế huấn luyện.

 

Mới đây nhất là “lời người ra đi” giữa huấn luyện viên Lê Huỳnh Đức với “đội bóng sông Hàn” sau 13 năm gắn bó. Trong số này, có không ít tên tuổi được xem như hiện thân của thành tích ở sân cỏ quốc nội như: Chu Đình Nghiêm (Hà Nội FC), Phan Thanh Hùng (B.Bình Dương), Lê Huỳnh Đức (SHB Đà Nẵng)…

Trước hết, cần phải khẳng định ngay rằng, Phan Thanh Hùng và đặc biệt là Chu Đình Nghiêm đang là hai trong số những nhà cầm quân giàu thành tích bậc nhất V.League. Thành công của Hà Nội FC trong thập kỷ gần đây gắn liền với tên tuổi 2 HLV này (Phan Thanh Hùng: 2010 - 2015, Chu Đình Nghiêm: 2016 - 2021). Cụ thể, họ đã đưa về sân Hàng Đẫy 5 chức Vô địch (các năm: 2010, 2013, 2016, 2018, 2019), 5 ngôi vị Á quân (2011, 2012, 2014, 2015, 2020) và 01 tấm Huy chương đồng (2017). Trong một thống kê khác, cựu tiền đạo đội tuyển Việt Nam Lê Huỳnh Đức có tới 13 mùa bóng chỉ đạo chuyên môn ở “đội bóng áo cam” cùng 2 chức vô địch (năm 2009 và 2012) - những con số đủ để chứng minh: Lãnh đạo bóng đá Đà Nẵng có niềm tin lớn lao vào năng lực cầm quân của chiến lược gia họ Lê.

Tương tự như vậy là lá đơn từ chức của “nhạc trưởng” đội bóng xứ Nghệ. Ngô Quang Trường cùng Chủ tịch Nguyễn Hồng Thanh - người được mệnh danh “Khổng Minh xứ Nghệ” - đệ đơn cùng một ngày. Tài thao lược của 2 nhân vật này ra sao thì ai cũng rõ; cộng thêm yếu tố SLNA từng suýt bị chuyển giao cách đây 2 mùa giải thì người hâm mộ cả nước đều có chung cảm nhận: “Bệnh” của bóng đá xứ Nghệ không nằm ở băng ghế huấn luyện!

Vì lẽ đó, việc những ông thày như Chu Đình Nghiêm, Ngô Quang Trường, Lê Huỳnh Đức… phải rời “ghế nóng”, có thể nói hoàn toàn không xuất phát từ năng lực cầm quân, bất chấp thực tế SLNA đang đứng bét bảng xếp hạng cũng như việc SHB Đà Nẵng đang phải đối mặt với nguy cơ “văng” khỏi nhóm 6 CLB cạnh tranh huy chương ở giai đoạn 2.

Chưa hết, với SHB Đà Nẵng, khoảng cách năng lực, kinh nghiệm giữa “người cũ” (Lê Huỳnh Đức) và “người mới” (Phan Thanh Hùng) là không chênh lệch. Oái oăm hơn nữa, kẻ kế nhiệm ở Sông Lam Nghệ An (quyền HLV trưởng Nguyễn Huy Hoàng) thậm chí còn “non” hơn hẳn so với người tiền nhiệm. Vậy nên, hành động “thay tướng” đơn thuần chỉ là “làm mới” ghế chỉ đạo. Chính Lê Huỳnh Đức cũng ý thức rất rõ điều này khi bộc bạch những điều “gan ruột”, đại ý: Rút lui vì hy vọng người mới sẽ “mát tay” hơn!

Câu lạc bộ SHB - Đà Nẵng.

Câu hỏi đặt ra là liệu việc “thay tướng” có đồng nghĩa với “đổi vận” như kỳ vọng của lãnh đạo CLB?

Hoàn toàn không dễ! Bởi các chuyên gia túc cầu giáo quốc nội đã phân tích và chỉ rõ. Chẳng hạn như với SLNA, “nút thắt” của đội bóng này không nằm ở yếu tố “con người” mà thuộc về mô hình, cơ chế vận hành. Đây thực tế là vấn đề mang tầm “vĩ mô” - rất khó để đưa ra một “lời giải nhanh” nhưng cứ nhìn vào hiện tượng “chảy máu cầu thủ” không ngừng, cùng sự khó khăn về tài chính năm này qua năm khác thì khán giả cả nước đều có chung cảm nhận: Bóng đá xứ Nghệ cần một sự thay đổi trên quy mô lớn, theo hướng chuyên nghiệp thực sự chứ không chỉ đơn giản là hoán đổi người trên băng ghế chỉ đạo, những mong đem lại “vận đỏ”.

Tương tự như vậy, sau một “triều đại” Lê Huỳnh Đức kéo dài tới hơn một thập kỷ với sự “cũ kỹ” cả về nhân sự, chiến thuật… bóng đá Đà Nẵng cần một cú “refresh” (làm mới) toàn diện để thay đổi diện mạo, thắp lại ngọn lửa mang tên “khát vọng”.

Bằng không thì rất có thể, thành tích của SLNA, SHB Đà Nẵng vẫn cứ phập phù, bất ổn như chính vị trí trên bảng xếp hạng của hai tập thể ở thời điểm hiện tại./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận