Thể thao người khuyết tật VN: Sẵn sàng cho Paralympic Tokyo 2021, Asean Para Games 11

Để chuẩn bị cho Para Games diễn ra vào cuối năm, từ tháng 4 - 7 diễn ra chuỗi giải đấu quốc nội dành cho các VĐV người khuyết tật.

 

Tại Asean Para Games 11, nước chủ nhà Việt Nam đưa ra 11 môn và các nước khác trong Đông Nam Á đề nghị thêm lên 17 môn. Tuy nhiên do điều kiện hiện nay gặp nhiều khó khăn, nhất là dịch Covid nên con số cuối cùng được thống nhất là 11 môn. Trong số này, thể thao người khuyết tật nước ta có 7 môn đang tham dự các kỳ Para Games, còn 4 môn mới hoàn toàn.

“Để chuẩn bị cho Para Games diễn ra vào cuối năm thì ngay từ đầu năm, chúng tôi đã lên lịch 3 giải đấu. Tháng 4 tại TP HCM tổ chức giải các CLB, có những môn: judo, boccia, bắn cung và bóng đá khiếm thị. Sang tháng 5 thì tổ chức các môn khác như: bóng bàn, cầu lông, cờ vua, cử tạ. Đến tháng 6 sẽ tổ chức 2 môn cơ bản là điền kinh và bơi. Như vậy, đến hết tháng 6 chúng ta sẽ tổ chức 11 môn. Qua tháng 6, chúng ta sẽ lựa chọn những VĐV xuất sắc nhất trong các môn đó để tập trung đội tuyển, chuẩn bị cho thi đấu” - ông Vũ Thế Phiệt, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Paralympic Việt Nam cho biết.

Đối với thể thao người khuyết tật, các cấp lãnh đạo không đặt ra chỉ tiêu phải đứng thứ mấy, phải bao nhiêu huy chương, mà chỉ động viên các VĐV làm sao vượt lên chính mình. Tuy vậy năm 2003, thể thao người khuyết tật Việt Nam đã đứng thứ hai Đông Nam Á và liên tục từ đấy đến nay, đoàn Việt Nam luôn ở trong top 3 khu vực.

Về danh sách các VĐV nước ta đạt chuẩn tham dự Paralympic Tokyo 2021, đến nay bơi có 4 suất, điền kinh có 1 suất chính thức và có thể được xét thêm 2 trường hợp nữa, cử tạ có 4 suất. Như vậy, Việt Nam có khoảng 10-11 VĐV tham dự Paralympic tại Tokyo vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 tới.

Về phía các tuyển thủ, với hai giải đấu lớn trong năm 2021 là Đại hội Paralympic và Đại hội ASEAN Para Games thì các kế hoạch tập luyện đã được vạch ra.

“Tôi nghĩ khả năng bảo vệ HCV là khó. Bởi vì VĐV Lê Văn Công sau khi thi Rio năm 2016 về anh bị tai nạn. Đến năm 2018, anh mới bắt đầu thi đấu trở lại được và đến năm 2019 mới chính thức thi lấy điểm. Thành tích của anh hiện nay đứng thứ tư trên thế giới. Hiện nay có hy vọng khác là Bình An, VĐV có thể đoạt HCV, nhưng anh có một điểm yếu là tâm lý thi đấu không ổn định. Còn VĐV bơi lội Võ Thanh Tùng thì đảm bảo được HCB cũng khó, cố gắng trong 4 cự ly thì một cự ly có thể chắc chắn. Tuy nhiên,Thanh Tùng năm nay 32 tuổi cũng là một bất lợi” - ông Vũ Thế Phiệt phân tích.

Về phía các tuyển thủ, với hai giải đấu lớn trong năm 2021 là Đại hội Paralympic và Đại hội ASEAN Para Games thì các kế hoạch tập luyện đã được vạch ra.

Nhà vô địch Paralympic 2016, lực sĩ cử tạ Lê Văn Công nêu quyết tâm: Chúng tôi sẽ cố gắng thi đấu tốt nhất trong khả năng có thể và có những giáo án phù hợp. Với thành tích 183kg bằng mọi giá, Công sẽ giữ vững. Công hy vọng chấn thương của mình sẽ được điều trị dứt điểm để có được sự phục hồi tốt nhất để chuẩn bị cho Paralympic. Tôi muốn bảo vệ tấm HCV của mình, giữ lại tấm HCV cho thể thao người khuyết tật Việt Nam” .

 

Bình luận

    Chưa có bình luận