“Di sản của mất mát” là tên cuốn tiểu thuyết của Kiran Desai, từng đoạt giải thưởng Booker nổi tiếng năm 2006, kể về ngôi nhà hoang tàn, đổ nát dưới chân núi Kanchenjunga, thuộc dãy Himalaya (phía đông bắc Ấn Độ) cùng các vấn đề rất đáng được quan tâm: nghèo đói ở bản xứ và giấc mơ nhập cư miền đất hứa; ảnh hưởng của phương Tây trong một xã hội từng là thuộc địa trong bối cảnh toàn cầu hóa; ước vọng bình yên muôn đời của con người và những đổi thay không thể lường trước; rồi xung đột sắc tộc, tôn giáo…
Ở cuốn sách, độc giả thấy rõ những cuộc đời “mất mát” cứ tiếp nối như việc phải trả một món nợ tiền kiếp. Vị quan tòa về hưu tưởng đã có thể an nhàn thì cô cháu ngoại (tên Sai) đột ngột mất cha mẹ, tìm về nương tựa. Ông đầu bếp suốt đời “cam phận hèn”, dồn trút hy vọng cho đứa con trai (tên Biju) sang xứ cờ hoa tìm kiếm tương lai. Một anh gia sư vốn ôm nhiều hoài bão, bị kẹt giữa nghèo khó và một cuộc cách mạng bỗng biến thành xung đột... Nhưng rồi sự đen đủi của ông quan tòa đã “kéo lê” sang cả người con gái, rồi đứa cháu ngoại. Cái “nghiệp” mà người làm bếp “giãy giụa”, cố thoát ra lại tiếp tục được con trai “kế thừa”. Danh sách cứ thế ngày một dài, dài mãi...!
Thứ “di sản mất mát” ấy can hệ gì đến cầu thủ V.League Ngô Hoàng Thịnh?
Dù nhiều ngày đã trôi qua nhưng dư luận vẫn chưa thôi bức xúc về pha vào bóng nguy hiểm của cầu thủ xứ Nghệ đối với Đỗ Hùng Dũng (Hà Nội FC). Án đã được tuyên: Ngô Hoàng Thịnh phải nộp phạt 40 triệu đồng và bị cấm thi đấu đến hết năm 2021… Song, phía sau cựu cầu thủ Sông Lam Nghệ An là rất nhiều điều đáng nói!
Đây không phải lần đầu tiên (và có lẽ càng không phải lần cuối cùng) sân cỏ nước nhà ghi nhận một cầu thủ bị gãy chân khi đang thi đấu (do dính đòn triệt hạ của đối phương). Lần giở các vụ bạo lực trên sân bóng gần đây, chúng ta biết: Trần Đình Đồng từng đạp gãy chân Anh Hùng của đội An Giang; Quế Ngọc Hải “đốn hạ” Anh Khoa (SHB. Đà Nẵng); Hoàng Văn Khánh “chơi” cả gầm giày vào chân Oduwa (đội U19 Tottenham, Anh)… Những vụ bạo lực sân cỏ này có điểm chung là: Chủ nhân đều trưởng thành từ lò đào đạo bóng đá trẻ bên dòng Lam giang.
Không thể phủ nhận, SLNA là “vườn ươm” những cầu thủ tài năng nhất của bóng đá quốc nội. Song, những ai am hiểu túc cầu giáo nước nhà đều biết: Từ thời còn mang tên gọi Sông Lam Nghệ Tĩnh, đội bóng này đã nổi tiếng với lối chơi lăn xả, quyết liệt, không ngại va chạm. Chẳng phải thế sao khi ngoài Trần Đình Đồng, Quế Ngọc Hải, Hoàng Văn Khánh…, dư luận còn nhắc đến một số cầu thủ “gốc gác” SLNA khác như: Phạm Mạnh Hùng (biệt danh “đồ tể” do đã“chém”, không ít đồng nghiệp ở V.League) hay Trương Đắc Khánh từng “xơi” gãy chân cầu thủ đội bạn trên sân phủi. Nói cách khác, Ngô Hoàng Thịnh chỉ là trường hợp cầu thủ SLNA thứ 6 trong bản danh sách “tiều phu”. Không ngạc nhiên khi trong cảm nhận của khán giả, “bạo lực”, “chém đinh chặt sắt” đã trở thành “thương hiệu”, là “di sản” của bóng đá xứ Nghệ.
Vậy nên việc bóng đá Sông Lam cần chủ động cởi bỏ “thương hiệu bạo lực” là rất cần thiết.
Hy vọng từ trường hợp của Ngô Hoàng Thịnh, những người “đứng lớp” cũng như các “cựu học sinh” trưởng thành từ lò đào tạo bóng đá trẻ của SLNA sớm có những điều chỉnh, thay đổi trong giáo án cũng như thái độ thi đấu, biết trân trọng “đôi chân” của đối phương.
Để không còn ai bị coi là người “kế thừa” một “di sản” chẳng ai mong muốn!