Thanh Vũ bị xử phạt vì có hành vi khiêu khích trọng tài trong trận Cần Thơ - CAND, ngày 19/3, tại giải hạng Nhất Quốc gia mùa bóng 2021.
Ở trận đấu ấy, khi tỉ số đang là 1-1, “kẻ gác đền” của Cần Thơ FC đã có pha cản phá theo kiểu bất chấp - lao thẳng vào tiền đạo đối phương. Không chút ngần ngại, trọng tài Anh Đức đã chỉ tay vào chấm phạt đền trong sự phản ứng dữ dội của đội chủ nhà.
Sau khi cản phá thành công cú sút 11m, trong niềm phấn khích, thật bất ngờ là Thanh Vũ đã lao đến, nằm ngửa trước mặt người điều khiển trận đấu và thực hiện một số động tác công kích vị “vua sân cỏ”. Ban Kỷ luật VFF, theo đúng quy trình: Chờ báo cáo - mổ băng - họp nội bộ - tuyên án, tất cả diễn ra trong 4 ngày, tức đến ngày 23/3/2021 mới có phán quyết.
Điều đáng nói là ngay sau khi trận đấu kết thúc, lãnh đạo câu lạc bộ (CLB) Cần Thơ đã “họp khẩn”, một án phạt nội bộ lập tức được ban ra: Treo giò Thanh Vũ 2 trận.
Có thể khẳng định, việc CLB Cần Thơ phạt trước Ban tổ chức (tới 4 ngày) phần nào đã chứng minh được sự nghiêm khắc, vô tư của lãnh đạo đội nhà. Hai năm trước, trong khuôn khổ Cúp Quốc gia 2019, cũng chính lãnh đạo đội bóng này đã cấm “gà nhà” (cầu thủ Văn Quân) ra sân hết lượt đi, phạt 20 triệu đồng do chủ động đưa bóng vào khung thành… đội nhà, tạo ra nghi án bán độ gây xôn xao dư luận. Còn trước đó 1 năm, tại V.League, trong chủ trương “nói không với bạo lực sân cỏ”, ông bầu Đoàn Nguyên Đức cũng treo giò đến hết lượt đi cầu thủ thuộc biên chế Hoàng Anh Gia Lai - Nguyễn Tăng Tiến.
Dĩ nhiên, chuyện một đội bóng quốc nội chủ động “tự xử” (trước khi Ban kỷ luật “khai đao”) vẫn có hơn một cách giải thích. Có người bảo đó chỉ là giải pháp “xoa dịu” khán giả nên “án nội bộ” thường thấp hơn “án Liên đoàn”. Cũng có kẻ cho rằng đó thực chất là “định hướng” cho VFF, “vẽ đường” để Ban Kỷ luật cứ thế áp theo. Song, bản chất của “án nội bộ” thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể phủ nhận sự nghiêm túc, “không bao che” của lãnh đạo các CLB nói trên.
Điều này hoàn toàn tương phản với những biểu hiện bênh vực “người nhà” từng xảy ra trong lịch sử giải chuyên nghiệp.
Lấy dẫn chứng từ câu chuyện của đội trưởng CLB Sông Lam Nghệ An cách đây gần một thập kỷ. Ống kính phóng viên đã ghi lại được hình ảnh cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Huy Hoàng trong trạng thái “ngất ngây” sau khi gây tai nạn giao thông trên tuyến phố Bà Triệu (thành phố Thanh Hóa).
Ngay sau khi clip được đăng tải, “cộng đồng mạng” đã rất sục sôi với vô số bình luận (comment), nhiều ý kiến khẳng định: Huy Hoàng đang “phê thuốc”! Tuy nhiên, từ quê nhà, cách “hiện trường” khoảng 140km, mặc dù chưa tỏ tường sự việc nhưng HLV trưởng của SLNA là Nguyễn Hữu Thắng đã vội vã đăng đàn xuất ngôn: Đó chỉ là… “phê rượu”! như một cách “ngầm khẳng định”: Huy Hoàng không sử dụng ma túy.
Tác nhân khiến Huy Hoàng “thăng hoa” là gì thì chẳng ai hay bởi sự việc sau đó bỗng “chìm xuồng” một cách khó hiểu. Nhưng điều khiến dư luận thất vọng không chỉ bởi lối sống thiếu lành mạnh của đội trưởng đội bóng xứ Nghệ mà là lối hành xử của Ban huấn luyện SLNA: Thay vì xử lý một cách công tâm, quyết liệt lại có dấu hiệu bao che, bênh vực “gà nhà” một cách mù quáng.
Vì lẽ đó, việc Cần Thơ FC chủ động “xử” thủ môn đội nhà là điều rất đáng được hoan nghênh. Đấy không chỉ là thông điệp chứng tỏ tập thể này không dung dưỡng cho các hành vi, biểu hiện “phi thể thao” mà còn cho thấy những chuyển biến tích cực trong nhận thức, giáo dục cầu thủ của Ban lãnh đạo “đội bóng Tây Đô”.
Hy vọng những “án nội bộ” kiểu này không dừng ở mức độ “chuyện riêng” của Cần Thơ FC hay Hoàng Anh Gia Lai mà sẽ được nhân rộng ở các giải quốc nội khác để dần trở thành chuẩn mực ứng xử của sân cỏ nước nhà./.