Nhà đương kim vô địch V.League và 'nghĩa vụ quốc tế'!

Cuối tuần này, giải vô địch Quốc gia sẽ tái khởi động trở lại sau quãng thời gian tạm hoãn vì dịch bệnh Covi-19.

 

Trong bối cảnh nhà nhà, người người đều cảm thấy háo hức, chờ đợi bởi “ngủ đông” quá lâu thì thầy trò huấn luyện viên Trương Việt Hoàng (câu lạc bộ Bóng đá Viettel) không giấu được nét ưu tư trên gương mặt trước thực tế: Họ đang phải đối mặt với lịch thi đấu dày đặc.

Theo tính toán, chỉ trong thời gian hơn 50 ngày (từ mùng 4/3 đến mùng 7/5), nhà đương kim vô địch sẽ phải thi đấu tới 14 trận (bao gồm các mặt trận: V.League, Cúp Quốc gia, AFC Champions League 2021) - một mật độ thi đấu khiến người ta không thể không… choáng! Song bất khả kháng vì Ban tổ chức các giải đấu đều muốn “đá nhanh, đá gấp” cho đúng tiến độ.

Nhìn vào đặc điểm, tính chất và quan trọng hơn là thực lực, khát vọng của nhà đương kim vô địch V.League, không khó để nhận thấy V.League 2021 vẫn là đối tượng được ưu tiên hàng đầu. Lịch sử giải chuyên nghiệp nhiều năm qua đã chứng minh, với các đội bóng ở xứ ta, AFC Champions League vẫn là “món đồ xa xỉ” đúng nghĩa. Dẫu giải châu lục có thừa sự hấp dẫn ở các khía cạnh: Danh vọng, tiền thưởng…; nhưng để tiến xa (chưa nói tới giành danh hiệu) thì với Viettel (cũng như các đội bóng V.League trong quá khứ) đó vẫn là “điệp vụ bất khả thi”, là “mơ giữa ban ngày” do sự chênh lệch rất đáng kể về đẳng cấp, trình độ.

Dĩ nhiên, bên cạnh những thất bại “muối mặt” như SHB Đà Nẵng thảm bại trước Gamba Osaka (Nhật Bản) tới 15 bàn không gỡ tại Champions League châu Á 2006, làng cầu quốc nội cũng vài bận tạo được tiếng vang như sự kiện Hà Nội T&T (nay là Hà Nội FC) và Vissai Ninh Bình (đã giải thể) lọt bán kết AFC Cup 2014. Song, nhìn chung, sau những chuyến phiêu lưu ở giải châu lục, các đại diện của chúng ta đều cảm thấy “thấm thía” trước thực tế: Thành tích chưa thấy đâu nhưng rất hao tiền, tốn của; thêm nữa, vì phải “xẻ thân” trên nhiều mặt trận nên luôn hụt hơi ở giải trong nước.

Luận về tâm thế của các CLB chuyên nghiệp Việt Nam ở đấu trường châu lục, cựu HLV trưởng B.Bình Dương là ông Lê Thụy Hải từng có phát ngôn “để đời”: chúng tôi “buộc phải tham dự” vì “trót đăng quang V.League”! Đáng nói hơn, “tổng kết” của ông Hải “lơ” hơn một thập kỷ trước, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự!

Chẳng thế mà ở AFC Cúp năm 2018, trước chuyến làm khách ở Gelora Bung Karno (sân nhà của CLB Persija Jakarta), “thuyền trưởng” Nguyễn Đức Thắng của Sông Lam Nghệ An chỉ mang đến “xứ người” vẻn vẹn 16 cầu thủ nội. Trong số đó, không có, dù chỉ 1 trụ cột. Điều này có nghĩa, chẳng cần quá tinh tường người ta cũng nhận thấy sự “nhất bên trọng - nhất bên khinh” của ban huấn luyện đội bóng xứ Nghệ.

Trở lại câu chuyện của Viettel, không thể không nhắc tới thực tế, dẫu đang giữ “vương miện” làng cầu quốc nội và được xem là 1 trong những tập thể có tiềm lực tài chính khá vững nhưng so với các đối thủ đến từ những nền bóng đá hàng đầu châu lục, Viettel vẫn chưa thấm vào đâu. Nói cách khác, trước hai nhiệm vụ song song: “Bảo vệ ngôi vương” và “nghĩa vụ quốc tế”, sẽ không ngạc nhiên nếu thầy trò huấn luyện viên Trương Việt Hoàng dành nhiều sự ưu tiên cho giải đấu trong nước.

CLB Bóng đá Viettel đang phải đối mặt với lịch thi đấu dày đặc.

Điều này có thể không đáp ứng được kỳ vọng “vươn ra biển lớn” của hàng triệu tín đồ túc cầu giáo nước nhà nhưng lại là phép tính hợp lý, “biết mình biết người”, không chỉ của Viettel mà còn của hầu hết các nhà vô địch V.League thời điểm hiện tại.

Đấu bù vòng 3 V.League 2021

Ngày 13/3/2021:      Đà Nẵng - HL. Hà Tĩnh

Hải Phòng - Hà Nội Fc

Ngày 14/3/2021:      HA. Gia Lai - Bình Định

Quảng Ninh - Tp Hồ Chí Minh

Viettel - B.Bình Dương

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận