'Tác dụng phụ' của mạng xã hội!

V.League 2021 mới chỉ đi qua 2 vòng đấu nhưng đã cho thấy không ít bất ngờ thú vị.

 

Nếu như Hà Nội FC với dàn hảo thủ lừng danh cùng tham vọng “bay cao, bay xa” chưa bao giờ vơi cạn bỗng “tay trắng” sau 180 phút thi đấu chính thức thì ngược lại, “đội bóng đất cảng” mùa giải trước còn quay quắt với nỗi lo trụ hạng bỗng “chễm chệ” trên ngôi đầu bảng xếp hạng. Bên cạnh đó, người hâm mộ không thể không chú ý tới… trang điện tử cá nhân cùng những nội dung liên quan đến ngoại binh Gramoz Kurtaj với đội bóng chủ quản: CLB Nam Định.

Diễn biến sự việc không có nhiều bí ẩn, chỉ đơn giản là hành động từ chối ra sân của Gramoz ở lượt trận thứ hai (Nam Định thất thủ 2-3 trước Hải Phòng). Cho rằng tân binh này mắc “bệnh sao”, lãnh đạo CLB đã có những động thái răn đe và cuối cùng là thanh lý hợp đồng. Giải thích cho hành động của mình, ngoại binh sinh năm 1991 khẳng định: Là do cơ thể “có vấn đề” chứ không “chảnh” như lời “luận tội” của huấn luyện viên trưởng (HLV). Song, những nội dung này được Gramoz công khai theo phương thức khá “độc”: Biên thành một… status và đăng tải trên… facebook!

HLV Nguyễn Văn Sỹ đã sa thải Gramoz vì cho rằng cách thức phản hồi của cầu thủ này trên mạng xã hội là thiếu hợp tác.

Phải thừa nhận rằng, ở V.League (cũng như nhiều lĩnh vực khác), mỗi bận cá nhân (hay tập thể) gửi đơn kiến nghị là một bận “dài cổ chờ hồi âm” bởi những quy định hết sức “rườm rà” từ những nhà làm giải. Theo thông lệ, sau khi có văn bản kháng nghị, những người có trách nhiệm giải đáp sẽ triệu tập những cá nhân có liên quan, thu thập bằng chứng (nếu có) và… mở phiên họp, sau đó mới có câu trả lời chính thức. Việc một lá đơn phải qua nhiều người, nhiều “cửa” (đó là chưa kể việc “ngâm” hồ sơ cho đến khi sự việc hết tính thời sự mới giở ra… xem xét) nên không ít nạn nhân đã chọn giải pháp… cho qua, dù rất ấm ức.

Để khắc phục, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đã len lỏi, xâm nhập vào từng… ngọn cỏ trên các sân bóng, người ta đã cậy nhờ đến… “nhật ký điện tử”. Chẳng phải thế sao khi mà 2 năm trước, sau trận thư hùng Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) - Sài Gòn FC (1-3) trong khuôn khổ vòng 3 V.League 2019: Cho rằng đội nhà bị trọng tài Nguyễn Minh Châu “cướp” 2 quả phạt đền, Giám đốc điều hành đội bóng đóng đại bản doanh ở Cao nguyên Pleiku Nguyễn Tấn Anh đã đăng tải quan điểm cùng clip ghi lại tình huống lên… facebook để phản ứng?

Điều đáng nói là “kiến nghị” của ông Nguyễn Tấn Anh đã phát huy hiệu quả đến không ngờ. Chẳng biết có phải vì sức ép từ facebook hay không mà chỉ vài giờ đồng hồ sau, Trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiền đã đăng đàn, khẳng định: nếu trọng tài sai sẽ xử lý nghiêm! (?). Tương tự như vậy, những lời biện bạch của Gramoz cũng gần như lập tức nhận được phản hồi từ lãnh đạo “đội bóng thành Nam”.

Tuy nhiên, một thực tế ai cũng biết là với mức độ phổ biến và tốc độ truyền tải như hiện nay, facebook - bên cạnh giá trị tích cực còn là những hệ lụy rất khó lường. Lấy dẫn chứng từ… chính ông Nguyễn Tấn Anh, sau khi đăng tải thông tin cùng video, vị giám đốc điều hành đã nhận được rất nhiều comment (bình luận), cả ủng hộ lẫn phản đối, nhưng đều thái quá. Người thì mạt sát trọng tài không thương tiếc, kẻ thì “chĩa mũi dùi” vào lãnh đạo, huấn luyện viên trưởng HAGL, đề nghị từ chức. Còn với Gramoz, như đã nói, nội dung quan trọng nhất mà CLB Nam Định “reply” (trả lời) lại là một kết cục mà anh không hề mong muốn: Bị thanh lý hợp đồng trước thời hạn. Mà nguyên nhân (theo lời HLV Nguyễn Văn Sỹ) chính là cách thức phản hồi thiếu hợp tác, không có tinh thần xây dựng: Đưa nội tình đội bóng lên… mạng xã hội!

Tóm lại, facebook dẫu sao cũng không “danh chính ngôn thuận”; đó là chưa kể mạng xã hội này còn có tính năng “gỡ bài” (sau khi đăng tải), giúp chủ nhân xóa sạch chứng cớ (trong trường hợp “tố điêu”, “tố láo”). Vì vậy, việc sân cỏ quốc nội dùng facebook dẫu để thanh minh hay nhằm mục đích “tố” nhau thì đều biểu thị cho cách làm việc thiếu chuyên nghiệp./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận