HHF và những đặc thù ở sân 'phủi hạng 3'!

'Luận' bóng đá phủi, lâu nay, giới 'quần đùi áo số' nước nhà vẫn chia thành 3 đẳng cấp!

 

Đứng đầu là những tập thể “phủi đúng nghĩa”, tức có ông bầu, nhà tài trợ; cầu thủ có thể được nhận… lương tháng và luyện tập theo một giáo án rất bài bản (thường “nhái” giáo án các đội bóng chuyên nghiệp).

Hạng “thường thường bậc trung” là nhóm “đội bóng công ty” - lãnh đạo, nhân viên cùng kéo ra sân cỏ. Cách thức vận hành vì thế cũng áp theo tổ chức nhân sự của doanh nghiệp: Chủ tịch chính là… Giám đốc, kiêm luôn vai trò huấn luyện viên, thậm chí “ôm” cả băng Đội trưởng. “Lính tráng” trừ khi có năng lực nổi trội, bằng không thì cứ “mòn kiếp” dự bị cho một Trưởng phòng đá dở nhưng có vị trí cao hơn. Xếp cuối cùng là những đội bóng phong trào theo đúng nghĩa đen. Đó có thể là tập hợp “những ông bố” của một tòa nhà chung cư song đa phần chẳng phân biệt xuất thân, tuổi tác, nghề nghiệp. Động cơ, mục đích gói vẻn vẹn trong mấy chữ: Chơi bóng vì… đam mê!

Cứ theo lý ấy mà suy thì có thể xếp HHF (Hà Nội - Hàm Rồng - Football Club) vào đẳng cấp… thấp nhất. HHF thực chất là “diễn đàn sân cỏ” của một nhóm 20 cựu học sinh trường THPT Hàm Rồng khóa 1997-2000 (thành phố Thanh Hóa) hiện đang sinh sống, lập nghiệp chốn kinh kỳ. Song, nếu chỉ có vậy thì CLB này sẽ “lọt thỏm” giữa vô số đội bóng khác cùng diện mạo. Chúng tôi chú ý đến HHF chính bởi cách thức tổ chức, vận hành khá đặc biệt, dường như “chỉ có ở sân phủi hạng 3”!

Trước hết, đây là tập thể hiếm hoi mà tất cả các thành viên đều “cầm tinh con chó” (1982), học chung trường và cùng dán mác “hoa thanh quế” - một tỉnh địa đầu Bắc Trung bộ, cách thủ đô hơn 150 cây số. Theo lời “Chủ tịch HHF” Lê Hoàng Anh thì đội bóng là “dư âm” của cuộc hội khóa nhân kỷ niệm 20 năm tốt nghiệp PTTH tại quê nhà. Cần nói thêm là những năm cuối thế kỷ XX, điện thoại di động còn là khái niệm hết sức xa xỉ; cuộc cách mạng 4.0 với những “diễn đàn trực tuyến” đa dạng (zalo, facebook…) cũng chưa bùng nổ, đồng nghĩa rất nhiều người trong số họ mất liên lạc suốt hai thập kỷ. Nay bạn cũ trùng phùng, vui đấy nhưng hội khóa, họp lớp cũng chỉ là gặp mặt trong thoáng chốc, thoắt hợp - thoắt tan.

HHF hiện có 20 thành viên - con số nằm trong “khung lý tưởng” cho một CLB phủi: 20 - 25 người (ảnh do CLB cung cấp)

Trước viễn cảnh “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, nhóm “công thần khai quốc của HHF” quyết tâm duy trì sợi dây liên lạc. “Ban đầu, chúng tôi ấn định một lịch… ăn nhậu hàng tuần nhưng kế hoạch vừa nhen lên đã lập tức “chết yểu”! Ở cái tuổi “tứ tuần”, thể trạng đi xuống, “tửu lượng” giảm sút thì bia, rượu không thể là “sợi chỉ đỏ” kết nối bằng hữu. Đó là chưa kể đến những “phản ứng phụ” từ đồ uống có cồn! - Đội trưởng Vinh “tôm” chia sẻ.

Và họ tìm đến sân cỏ nhân tạo. Một đội bóng “phủi” ra đời, đáp ứng cùng lúc hai mục đích: Thỏa đam mê và nâng cao sức khỏe.

Góp phần tạo nên “bản sắc” HHF, trước hết là tính kỷ luật rất cao. Họ lập ra một “Ban Kỷ luật” và không nhân nhượng với các biểu hiện vô tổ chức. Nghỉ quá 50% số trận trong một tháng - phạt! Tập trung muộn - phạt! Rồi quy định về đồng phục, về văn hóa ứng xử trên sân bóng… Tất tật đều “đánh” trực tiếp vào… túi tiền “nạn nhân”. Nhưng điều quan trọng là toàn bộ ngân khoản thu về đều được “tái đầu tư” cho hoạt động của CLB (thuê sân bãi, trang bị đồng phục, công cụ tập bổ trợ) nên “can phạm”, dẫu “ngậm bồ hòn” song vẫn phải… khen ngọt!

Hậu trường HHF còn ghi nhận không ít chuyển động thú vị khác. Điển hình như câu chuyện “bán thương quyền” trên trang phục cho những thành viên CLB (đồng thời là chủ các doanh nghiệp); tổ chức các trận thi đấu giao hữu với những CLB phủi cùng “đẳng cấp” để từ sân cỏ mở ra cơ hội hợp tác, trao đổi trong công việc…

Có thể khẳng định, mô hình, tổ chức, cách thức vận hành của HHF có thể chưa phải chuẩn mực, chưa hẳn đã là “khuôn vàng thước ngọc” cho một CLB bóng đá phong trào nhưng ít nhiều cũng để lại những kinh nghiệm cần thiết, quý báu, nhất là ở thời điểm bóng đá “phủi” đã và đang ngày càng thịnh hành tại các đô thị, thành phố lớn trên cả nước!

Và quan trọng hơn, quá trình từ “thai nghén” đến “khai sinh” HHF đã cho chúng ta những nhận thức sâu sắc, đúng đắn hơn về chân giá trị của môn “thể thao vua”, về hiệu ứng tích cực mà dường như chỉ bóng đá mới có thể mang lại.

Phạm Hà

 

Bình luận

    Chưa có bình luận