Song, một thực tế không thể phủ nhận là bên cạnh những “điểm sáng”, sân cỏ quốc nội vẫn còn không ít gam màu tối, và đáng nói hơn, đấy lại là những tồn tại, hạn chế cố hữu.
Dịch bệnh Covid-19 với những nguy cơ, tác hại của nó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến túc cầu giáo toàn thế giới và sân cỏ Việt Nam cũng không ngoại lệ - V.League 2020 liên tục phải bấm lệnh “dừng”. Tương tự như vậy, “trận đánh lớn” của đội tuyển U22 Việt Nam tại SEA Games 31 cũng lâm vào tình trạng “hoãn lên hoãn xuống”. Trong bối cảnh ấy, không ít ông bầu V.League đã công khai chủ trương “nghỉ sớm” - lấy kết quả V.League 2020 sau vòng 11 để phân định thứ hạng chung cuộc.
Trước áp lực từ chính các đội bóng, cùng với sự eo hẹp của thời gian, các nhà làm giải đã có một quyết sách rất hợp lý, đáng khen ngợi khi áp V.League 2020 theo thể thức “phân nhóm”, “chia giai đoạn”. Cách thức này không chỉ đảm bảo cho giải chuyên nghiệp (và hạng Nhất quốc gia) hạ màn đúng dự kiến mà còn tạo ra những cuộc cạnh tranh gay gắt, khốc liệt ở cả hai đầu bảng xếp hạng (phải tới vòng đấu “chốt hạ”, mọi việc mới ngã ngũ). Với đội tuyển U22 quốc gia, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng tỏ ra rất nhanh nhạy, kịp thời khi chia thành các đợt tập trung ngắn ngày. Nhờ đó mà giữa “tâm dịch”, thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo cũng có tới 4 lần hội quân.
Một “điểm sáng” khác, không thể không nhắc đến là trong năm nay, VFF lần đầu tiên tổ chức giải đấu quy mô Quốc gia cho các lứa tuổi: U.15, U.17. Chuyển động cho thấy sách lược ưu tiên bóng đá trẻ, xây dựng lứa kế cận đã được Liên đoàn hiện thực hóa bằng hành động chứ không chỉ dừng ở mức độ “chủ trương” như các năm trước.
Tuy nhiên, không thể chối bỏ sự thật, ở các chuyển động: U22 Việt Nam có tới 4 lần hội quân, VFF tổ chức giải vô địch quốc gia U15, U17… - tiêu chí đánh giá “thành công” chỉ biểu thị ở điểm: Các sự kiện ấy “đã diễn ra”, “đã được tổ chức”, còn chất lượng ra sao, thu được thành quả thế nào vẫn chưa có căn cứ để khẳng định. Chiếc “hàn thử biểu” tương đối chính xác để đánh giá năng lực điều hành vẫn là cục diện V.League 2020. Trên phương diện này, VFF ít nhiều đã cho thấy sự “dễ dãi” trong tổ chức và thậm chí là hoàn toàn bất lực trước các biểu hiện tiêu cực.
Chẳng phải vậy sao khi có tới 4/14 đại diện V.League không đáp ứng “chuẩn chuyên nghiệp” của Liên đoàn Bóng đá châu Á. “Cứ theo lý thuyết mà suy” thì cả 4 câu lạc bộ này (Nam Định, Hà Tĩnh, Hải Phòng và Quảng Nam) đều xứng đáng “bị out” khỏi V.League 2020; song VFF vì giữ đại cục nên đành… tặc lưỡi cho qua. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu nỗi “khó xử” của các nhà làm giải - loại cùng lúc 4 tập thể cũng đồng nghĩa đẩy V.League 2020 đến trước nguy cơ “toang”, “vỡ” nhưng chẳng có gì đảm bảo sự dễ dãi này sẽ không tạo ra tiền lệ ở các mùa bóng năm sau.
Cũng cần nói thêm rằng, dẫu V.League 2020 đã vận hành theo một thể thức hoàn toàn mới lạ (“phân nhóm”, “chia giai đoạn”) nhưng không vì thế mà các hạn chế cũ được giải quyết một cách dứt điểm.
Một trong những hạn chế, hầu như năm nào cũng “đến hẹn lại lên” chính là công tác “cầm cân nảy mực”. V.League 2020 tiếp tục ghi nhận sự non kém về chuyên môn của không ít vị “vua sân cỏ”. Huấn luyện viên trưởng các CLB: Nam Định, Sông Lam Nghệ An, Hoàng Anh Gia Lai đều hơn một lần đăng đàn kêu ca về năng lực của người điều khiển trận đấu. Hẳn người hâm mộ vẫn chưa quên những diễn biến trong 90 phút thư hùng giữa Sài Gòn FC với Nam Định (vòng 10); trận đấu mà trọng tài Mai Xuân Hùng đã từ chối hai quả phạt đền “rõ mười mươi” cho các cầu thủ đội khách. Trong một diễn biến khác, ông “vua áo đen” Nguyễn Trung Kiên - người từng viết nên giai thoại “không tiền khoáng hậu: Quên thẻ khi đang điều khiển một trận bóng, nhưng vẫn được lựa chọn, sắp xếp cầm còi những trận đấu chuyên nghiệp.
Chưa dừng lại ở đó, khi giải chuyên nghiệp 2020 được phân nhóm (8 đội thuộc nhóm trên đã chắc chắn trụ hạng sau ½ mùa giải) vô tình đã tạo điều kiện để phát sinh thứ “bóng đá tình nghĩa”. Đơn cử như trường hợp “đội bóng đất Mỏ”, sau khi trụ hạng thành công đã cho Hải Phòng FC “mượn” hai ngôi sao “sáng” là Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú. Đáng nói hơn, hành động “ném pháo cứu sinh” này được T.Quảng Ninh công khai trước bàn dân thiên hạ nhưng lại là các thương vụ hoàn toàn hợp pháp nên Ban tổ chức, dẫu “ngửi” thấy mùi khét nhưng cũng không thể xử lý.
V.League 2020 cũng là mùa giải mà Ban tổ chức phải ra văn bản, vừa mang tính “cảnh báo” nhưng đồng thời cũng “năn nỉ” các CLB hãy thi đấu nhiệt huyết, tôn trọng khán giả. Nguồn cơn của công văn “lạ đời” kia, không gì khác - cũng xuất phát từ việc nhiều đội bóng đã sớm tìm được vị trí an toàn nên cạn nhiệt huyết, thi đấu “thiếu lửa”!.
Nhưng dẫu sao đi nữa thì trong một mùa bóng có quá nhiều biến cố, “sóng cả” như V.League 2020, nội chuyện Ban tổ chức vẫn “vững tay chèo” và thành công trong việc đưa giải tới đích vẫn là điều rất đáng được ghi nhận./.
Thanh Hà