Các nữ hoàng tốc độ tự tin bứt phá

Điền kinh là môn thể thao nữ hoàng và đội tuyển VN đang giữ 'ngôi hậu' ở đấu trường Đông Nam Á, tự hào ngự trị trên bảng xếp hạng toàn đoàn ở 2 kỳ SEA Games.

 

Sang năm mới 2021, điền kinh nước ta hứa hẹn có thêm nhiều quả ngọt hơn nữa từ sức bật của các nữ hoàng tốc độ.

Kỷ lục gia Nguyễn Thị Oanh lại khiến tất cả phải trầm trồ

Tháng 11/2020, bên hồ Hoàn Kiếm, Ban tổ chức nước chủ nhà đã chính thức kích hoạt đồng hồ đếm ngược 365 ngày tới SEA Games 31. Trước đó ít ngày, điền kinh Việt Nam đã “bước đà đầu tiên” cho kỳ SEA Games trên sân nhà, đó là giải Vô địch Quốc gia 2020 trên sân Mỹ Đình, nơi mà gần 500 vận động viên được “bung sức” sau cả năm bị đảo lộn kế hoạch vì Covid-19.

Vượt qua chính mình - khẩu hiệu quen thuộc mà bất cứ VĐV nào cũng nằm lòng - đã được VĐV xuất sắc nhất 2019 Nguyễn Thị Oanh hiện thực hóa đầy ấn tượng. Cô gái Bắc Giang về nhất cự ly 5.000m, cán đích đầu tiên ở nội dung 1.500m, giành HCV 3.000m vượt chướng ngại vật, trước khi thử sức trên đường chạy 10.000m nữ và xuất sắc phá sâu kỷ lục quốc gia tồn tại suốt 17 năm ở nội dung này.

Nguyễn Thị Oanh bày tỏ: “Ở giải VĐQG năm 2020, em rất vui mừng vì mình đã cải thiện thành tích ở nội dung 1.500m. Em cũng phá được kỷ lục ở nội dung 10.000m, một kỷ lục tồn tại 17 năm của VĐV đàn chị Đoàn Nữ Trúc Vân giữ từ năm 2003 tại SEA Games 22 Việt Nam”.

Nhìn lại SEA Games 2019, Nguyễn Thị Oanh từng gây tiếng vang lớn với 3 HCV cùng 1 kỷ lục Đại hội. Còn phía trước, giới chuyên môn tin rằng Nguyễn Thị Oanh còn có thể làm tốt hơn thế ở SEA Games 2021. “Em sẽ  cố gắng tập luyện và phấn đấu nhiều hơn nữa để có thành tích tốt hơn trong sự nghiệp. Ai cũng có giấc mơ và em cũng vậy” - cô gái Bắc Giang 25 tuổi nói về “giấc mơ tuyệt đẹp” ngay tại sân Mỹ Đình vào cuối năm nay.

Lê Tú Chinh có bàn đạp để phấn đấu

Nếu như Nguyễn Thị Oanh xuất sắc nhất ở các nội dung cá nhân tại giải Vô địch Quốc gia 2020, thì Lê Tú Chinh khẳng định tên tuổi bằng việc gặt hái nhiều HCV nhất. Nữ hoàng tốc độ 23 tuổi đoạt cú đúp vô địch trên 2 đường chạy 100m và 200m nữ, rồi góp công lớn giúp đoàn TP. HCM sở hữu thêm 3 HCV tiếp sức nữ. Đáng chú ý, Lê Tú Chinh cán đích ở đường chạy 100m nữ với thông số 11 giây 43, tốt hơn thành tích 11 giây 54 từng giúp Tú Chinh giành HCV SEA Games 30.

Lê Tú Chinh khẳng định tên tuổi bằng việc gặt hái nhiều HCV nhất tại giải Vô địch Quốc gia 2020.Em hài lòng nhất là ở nội dung 100m. Sau khoảng thời gian em không được thi đấu vì dịch thì em đã quay lại với thành tích 11 giây 43, là cột mốc để em phấn đấu tiếp. Em đang thấy rất tự tin sau 1 năm không được thi đấu mà khi trở lại, thành tích vẫn ổn định. Thành tích này là bàn đạp để em phấn đấu ở SEA Games 31” - Tú Chinh chia sẻ.

Quách Thị Lan đầy khí thế hướng đến Tokyo

Không chỉ gánh vác trọng trách giữ vững ngôi hậu khu vực, năm 2021, điền kinh Việt Nam còn hướng tới mục tiêu giành vé tham dự Olympic. Không ít chông gai đang xuất hiện trên chặng đường tới Tokyo, bởi thành tích của các VĐV điền kinh hàng đầu Việt Nam còn khá xa chuẩn Olympic. Niềm hy vọng lớn nhất là nội dung tiếp sức hỗn hợp 4 x 400m khi cần vươn lên một bậc nữa (top 16 thế giới) là có thể góp mặt tại Olympic Tokyo.

“Qua Giải vô địch Quốc gia 2020, thông số của Quách Thị Lan và Nguyễn Thị Hằng đã tốt hơn SEA Games năm ngoái. 2 bạn Trần Nhật Hoàng và Trần Đình Sơn thành tích tương đối ổn định. Từ nay đến ngày 5/7/2021, các em hoàn toàn có thể bứt phá khỏi vị trí thứ 17 để giành vé tham dự Thế vận hội”- HLV Nguyễn Thị Bắc, người dẫn dắt tổ 400m, đánh giá.

Quách Thị Lan giành HCV 4x400m tiếp sức hỗn hợp và đặc biệt là 2 HCV ở cả hai nội dung 400m và 400m rào mà trước nay hay để thua đàn chị Nguyễn Thị Huyền. Hai chiến thắng ấn tượng này là minh chứng cho thấy cô gái xứ Thanh 25 tuổi đã khắc phục được điểm yếu về tâm lý. Đáng chú ý là ở nội dung 400m rào, Quách Thị Lan về đích với thời gian 55 giây 98, khá sát kỷ lục quốc gia 55 giây 30 do chính mình xác lập tại ASIAD 2018 ở Indonesia. Cột mốc này củng cố niềm tin cho đội chạy 4x400m hỗn hợp Việt Nam, hiện đang xếp hạng 17 thế giới, kém gần 1 giây so với đội xếp hạng 16, thứ hạng sẽ được xét dự Thế vận hội. “Em nghĩ khoảng 80% là mình có thể giành vé đi Olympic” -  Quách Thị Lan tự tin nói về nhiệm vụ chinh phục tấm vé đến Tokyo.

Năm 2019, Philippines đưa vào thi đấu 48 nội dung ở môn điền kinh. Còn SEA Games 31 sẽ có 47 nội dung điền kinh, giảm nội dung 4x100m tiếp sức hỗn hợp nam nữ. Nội dung hỗn hợp duy nhất tại SEA Games 31 là 4x400m tiếp sức nam nữ. Ngoài ra, nội dung đi bộ nữ là 20km, thay vì 10km. Các nội dung của điền kinh SEA Games 31 sẽ diễn ra trên sân Mỹ Đình, nơi lần đầu Việt Nam đăng cai SEA Games cách đây đã 17 năm (2003).

Mục tiêu của điền kinh Việt Nam là giành từ 17 - 19 HCV tại SEA Games 31. Với vòng loại Olympic 2021, do dịch Covid-19 nên các giải điền kinh ở châu Á đã "đóng băng" từ đầu năm 2020. Theo lịch thi đấu trong năm 2021, các giải đấu quan trọng để các VĐV tham gia và tích điểm như: Giải điền kinh thế giới trong nhà, từ 19-21/3 tại Trung Quốc, hay như giải các nội dung tiếp sức châu Á từ 27-28/3 tại Thái Lan, giải điền kinh châu Á lần thứ 24 vào tháng 5 tại Trung Quốc… cũng đang bỏ ngỏ.

 Ngô Đức

 

Bình luận

    Chưa có bình luận