Đó là hai nhà cầm quân: Ljupko Petrovic (Đông Á Thanh Hóa), Kiatisak (Hoàng Anh Gia Lai) và cầu thủ lừng danh 2 quốc tịch Lee Nguyễn (CLB Bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh).
Trong số hàng chục vị chiến lược gia ngoại quốc từng “thử lửa” ở V.League, Ljupko Petrovic thực sự là cái tên đáng nể trọng. Chức vô địch Cúp C1 châu Âu khi dẫn dắt Sao đỏ Belgrad năm 1991 chính là “tấm giấy chứng nhận vàng”, khẳng định tài năng của nhà cầm quân người Nam Tư (cũ) ở đẳng cấp thế giới. Tương tự như vậy, năng lực cầm quân của Kiatisak thì người hâm mộ cả nước cũng đã tỏ tường. Dưới triều đại của cựu tiền đạo từng có nhiều năm chơi cho CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Thái Lan đã nổi lên như một hiện tượng. Ở châu lục, họ công khai hiện thực hóa giấc mộng World Cup và có nhiều trận đấu sòng phẳng với các “đại gia châu Á”. Trong phạm vi khu vực, đội tuyển Thái Lan của ông luôn giữ vững vị thế đứng đầu.
Còn với tiền đạo 2 quốc tịch, hơn một thập kỷ trước, sau khi thành công trong việc đưa Lee Nguyễn về “phố núi” Pleiku, ông bầu Đoàn Nguyên Đức từng háo hứng “gửi chiến thư” tới cả làng, rằng: HAGL có tới 98% khả năng vô địch V.League 2009.
Tuy uy danh là thế nhưng một sự thật là cả 3 nhân vật nói trên đều chưa một lần thành công ở sân chơi cao nhất làng cầu quốc nội. Không chỉ “ê chề” rời đại bản doanh CLB HAGL năm ấy, Lee Nguyễn còn có thêm một quãng thời gian vài ba năm khoác áo B.Bình Dương nhưng cũng chẳng làm nên “cơm cháo” gì. Mùa bóng 2010 thì HLV Kiatisak lặng lẽ “cuốn gói” khỏi HAGL khi thành tích không xứng với kỳ vọng.
Người hâm mộ bóng đá nước nhà dành nhiều tiếc nuối hơn cả cho nhà cầm quân đã ngoại “thất tuần” Petrovic khi ông chỉ giành Huy chương Bạc V.League trong năm 2017. Bởi năm đó, ai cũng nghĩ bóng đá Thanh Hóa đã “đủ chín” để xưng vương (quân tinh, tướng giỏi, tài chính dồi dào)… nhưng thật bất ngờ là thầy trò ông Petrovic cán đích ở vị trí Á quân, cùng “tiếng thở dài” nhiều ẩn ý trước khi người đàn ông này rời dải đất hình chữ S: “Sao không trao Cúp cho đội vô địch từ đầu đi, để các đội khác biết trước mà phấn đấu tranh hạng 2, hạng 3?”.
Rõ ràng, nếu lấy thành tích mà “luận anh hùng” thì cả Ljupko Petrovic, Kiatisak lẫn Lee Nguyễn đều không thể so bì với các đồng nghiệp nội địa, nhất là các đồng nghiệp như HLV Phan Thanh Hùng, HLV Chu Đình Nghiêm. Song tài năng, hay nói đúng hơn là “chân giá trị” của họ đã được thừa nhận, bất chấp bản “lý lịch V.League” của cả 3 không lấy gì ghê gớm!
Dĩ nhiên, chúng tôi không phủ nhận điều mà ai cũng có thể nhận ra là ở mùa giải 2021, cả Đông Á Thanh Hóa, HAGL và CLB Bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh đều thuộc diện những đội bóng có tiềm lực tài chính “ổn”. Mức đãi ngộ mà 3 CLB này dành cho những con người mới đều thuộc loại khá. Song, như đã nói, việc cả ba tên tuổi lớn đều đồng thời hiện diện ở V.League trong một mùa giải chính là “bằng chứng sống” cho thấy, lãnh đạo các đội bóng đã không còn bị lệ thuộc vào cái gọi là “thành tích hào nhoáng”, hay những “bản CV đẹp” của các HLV, cầu thủ. Càng đáng nói hơn khi người đứng đầu đội bóng bên bờ sông Mã - tân Chủ tịch Cao Tiến Đoan - là một kẻ mới “chân ướt chân ráo”, “rẽ ngang” sang sân cỏ.
Ở chiều ngược lại, khi những tài năng đã hơn một lần nói lời “ra đi” lúc “mộng lớn chưa thành” lại sẵn sàng tái hồi V.League cũng là lúc người hâm mộ bóng đá nước nhà thấy họ chưa hề hết khát vọng chinh phục đỉnh cao và sức hút nhất định của giải chuyên nghiệp vô địch Quốc gia.
Thanh Hà