Là một đại diện của sân chơi cao nhất quốc nội ở V.League 2021, thậm chí, trong quá khứ, không ít thời điểm còn được nhìn nhận như “ông lớn” ở giải chuyên nghiệp, song tập thể này đã và đang đối mặt với bài toán kinh tế - có nhiều dấu hiệu bế tắc.
Than Quảng Ninh đang nợ lương huấn luyện viên Phan Thanh Hùng rất nhiều tháng; nhưng quan trọng hơn, trước câu hỏi của nhà cầm quân họ Phan: “Chiến lược của đội nhà mùa giải tới?” - lãnh đạo CLB cũng không cho được câu trả lời cụ thể. Cực chẳng đã, ông Hùng đành đệ đơn từ chức và mặc dù rất “vừa mắt” chiến lược gia này nhưng T.Quảng Ninh cũng đành để ông Hùng nói “lời người ra đi”. Không chỉ băng ghế huấn luyện, trước Phan Thanh Hùng, sân Quảng Ninh còn chứng kiến một cuộc “tháo chạy ồ ạt” của 4 trụ cột là Xuân Hùng, Tuấn Linh, Quách Tân, Nhật Minh, Thanh Hài - mà nguyên nhân của mọi nguyên nhân đều bắt nguồn từ hai chữ “đầu tiên”.
Trao đổi với báo giới, Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh - ông Phạm Thanh Hùng cho biết, đại ý: Lâu nay, trên lý thuyết Than Quảng Ninh vẫn “thở bằng phổi” doanh nghiệp nhưng thực tế thì địa phương vẫn đều đặn “bơm” cho đội bóng vài chục tỉ đồng/ năm; vậy mà đến thời điểm hiện tại, đội vẫn chưa nhận được nguồn kinh phí thỏa thuận cho… mùa bóng năm ngoái. Trong cơn bĩ cực, ông Chủ tịch Phạm Thanh Hùng không giấu giếm ý định “bỏ CLB, chạy lấy người”, “trả đội bóng về cho tỉnh”.
Cần nhắc lại thực tế, trước Than Quảng Ninh, sân chơi cao nhất quốc nội đã chứng kiến không ít đội bóng đang “sống vui, sống khỏe” bỗng lăn ra “giãy đành đạch” do nhà tài trợ rút “ống thở”. Thực tế ấy nhắc lại bi kịch “xưa như diễm”, rằng: Ở xứ ta, việc một CLB chuyên nghiệp có thể “tự đứng vững”, “lấy bóng đá nuôi bóng đá” vẫn ở thì tương lai rất xa. Nhưng quan trọng hơn, “cơn hấp hối” của bóng đá vùng Than còn truyền tải thêm thông điệp khác: Đội bóng này không chỉ “dựa hơi” doanh nghiệp mà vẫn phải bám víu vào “bầu sữa bao cấp”. Thậm chí, có thể nói, với CLB Quảng Ninh, tỉnh nhà mới là “bà mẹ đẻ”, còn doanh nghiệp chỉ “nuôi hộ” - khi không kham nổi thì “trả về nơi sản xuất”.
Nói cách khác, bóng đá Than Quảng Ninh đang vận hành theo mô hình “hai chân đặt hai thuyền” mà chỉ cần một trong hai “con thuyền” (hoặc doanh nghiệp, hoặc ngân sách nhà nước) “lạc trôi” thì CLB sẽ đối mặt với nguy cơ “đắm”.
Đáng nói hơn, đây không chỉ là “chuyện riêng” của “người Quảng Ninh” mà còn là bi kịch chung của nhiều đội bóng khác. Chẳng phải thế sao khi các CLB: Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nam Định… vẫn đều đặn, đến hẹn lại giục giã địa phương “sớm giải ngân như đã hứa”. Vài năm trước, trước việc ông bầu Đoàn Nguyên Đức cho rằng “chỉ cần 15-20 tỷ/ năm là đủ để một đội bóng chuyên nghiệp hoạt động”, Chủ tịch Quảng Nam FC là ông Nguyễn Húp đã không ngần ngại đăng đàn phản bác. Ông Húp thở than: Bầu Đức đặt “mức trần” thấp như thế là “thiếu tính xây dựng”, “làm hại các đội bóng khác” vì tỉnh Quảng Nam sẽ căn cứ vào nhận định ấy để “khoán” cho Quảng Nam FC định mức hỗ trợ hằng năm khiến lãnh đạo CLB không thể xoay sở.
Không còn nghi ngờ gì nữa, với bóng đá Quảng Ninh nói riêng, nhiều đội bóng chuyên nghiệp nói chung, “bầu sữa ngân sách” vẫn là “nguồn dinh dưỡng” chủ lực, cũng có nghĩa cái định danh “đội bóng chuyên nghiệp” chỉ là tấm áo khoác hào nhoáng bên ngoài một cơ thể “phi chuyên nghiệp”.
Thanh Hà