Cần nhắc lại một số chuyển động: Ở giải hạng Nhì mùa bóng 2020 vừa qua, dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân người Brazil Flavio Cruz, CLB Gia Định đã có một năm thi đấu quật khởi và xuất sắc giành vé play-off. Mà nào chỉ có thế, trong 90 phút tranh chấp suất chơi tại giải hạng Nhất 2021 với đội Công an Nhân dân, CLB Gia Định tiếp tục gây bất ngờ khi vượt qua đối thủ bằng tỷ số tối thiểu.
Song niềm vui ngắn chẳng tày gang! Bởi theo cơ chế của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, nếu giải hạng Nhì hoàn toàn là sân chơi nghiệp dư, không bị bó buộc về các điều kiện kinh tế - tài chính thì giải hạng Nhất lại là các đội chuyên nghiệp cùng không ít “tiêu chí cứng”. Trong công văn xin ở lại hạng Nhì, Chủ tịch Huỳnh Hoàng Trường cho biết: Đội nhà chưa đáp ứng được điều kiện về sân bãi và chưa có các tuyến đào tạo trẻ tham dự các giải vô địch Quốc gia theo nội dung chương V, từ điều 24 đến 28 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp.
Chuyện không đạt “chuẩn chuyên nghiệp” không phải đến cuối năm 2020 mới trở nên “nóng” và cũng không phải là “chuyện riêng” của bất kỳ đội bóng nào vì ngay cả V.League - sân chơi lâu nay vẫn được định danh “giải chuyên nghiệp” - mà sau hai thập kỷ “khoác áo chuyên”, vẫn có tới 4/14 CLB không đáp ứng được những “tiêu chí A” của Liên đoàn Bóng đá châu Á gồm: Nam Định, Hà Tĩnh, Hải Phòng và Quảng Nam. Cho nên, để cứu V.League 2020 khỏi “vỡ trận”, Ban tổ chức đành phải “tháo khoán” - cho phép cả 4 đội bóng “không đạt chuẩn chuyên nghiệp” cùng tham dự.
Không khó để nhận thấy, chuyện 4 đội bóng nói trên được xét “đặc cách” thực ra chỉ là giải pháp tình thế, còn bi kịch mang tên “chuyên nghiệp” vẫn để lại những nỗi buồn tê tái. Chẳng thế mà kết thúc mùa bóng, các đội bóng này vẫn theo cách vận hành cũ, tài chính không có đột phá và quan trọng hơn, dường như lãnh đạo 4 CLB đều không quá quyết liệt với việc cải tổ, nâng cấp. Đương nhiên, mọi thứ vẫn… giậm chân tại chỗ.
Vì lẽ đó, khi Gia Định FC chấp nhận ở lại sân chơi đích thực dành cho mình, không dám “ngồi nhầm chỗ”… ít nhiều họ đã nhận được sự thông cảm của khán giả bởi thà rằng họ dũng cảm phơi ra sự nghèo khó, chấp nhận “lưu ban” còn hơn cố chạy theo cái danh hão (là đội bóng tham dự giải chuyên nghiệp hạng Nhất) nhưng không giải quyết được căn nguyên của vấn đề và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giải đấu, thậm chí làm xấu hình ảnh sân chơi chuyên nghiệp nước nhà.
Cần phải nói thêm rằng, lá đơn “xin lưu ban” của Gia Định cũng đẩy Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vào tình thế rất… “khó đỡ”, bởi nếu chấp nhận thì phải khắc phục những hậu quả mà đội bóng này để lại, còn không chấp nhận thì một lần nữa mang tiếng dễ dãi, tùy tiện trong tổ chức, áp dụng điều lệ. Nhưng nếu chấp nhận thì suất thăng hạng của Gia Định FC sẽ xử lý ra sao? Không lẽ lại “cho không, biếu không” CLB Công an Nhân dân (đội bóng đã thất thủ trong trận play-off với chính Gia Định FC)?
Chuyện của Gia Định ở giải hạng Nhất, và những Nam Định, Hà Tĩnh, Hải Phòng và Quảng Nam ở sân chơi V.League hoàn toàn tương đồng về bản chất và một lần nữa đã gióng lên những hồi chuông báo động mạnh mẽ về cách làm bóng đá ở ta. Hy vọng rằng Ban tổ chức, những người có trách nhiệm sớm có giải pháp thích hợp, khả dĩ và mang tính bền vững chứ không phải chiêu thức “vừa thiết kế - vừa thi công” (cứ tham dự các giải chuyên nghiệp rồi… từ từ đáp ứng các tiêu chí chuyên nghiệp) như cách VFF từng áp dụng./.
Thanh Hà