Đây mới chỉ là đề xuất từ phía “bầu Đệ”, quyết định cuối cùng vẫn phải “chờ hồi sau sẽ rõ”.
Lâu nay, với những đội bóng sống bằng túi tiền của ông bầu thì việc chủ tịch rút lui sẽ là cú sốc cực lớn, thậm chí còn đồng nghĩa với việc “khai tử” một đội bóng chuyên nghiệp. Điều này đã được kiểm chứng nhiều lần tại sân chơi V.League.
Cuối mùa giải 2014, sau “scandal” bán độ của một nhóm cầu thủ tại AFC Cup 2014, chủ tịch Hoàng Mạnh Trường của đội bóng cố đô Hoa Lư nhiều lần đăng đàn thở than, đại ý: Ông chán chường vì thành quả thu về không tương xứng và sẽ “nghĩ lại” xem có tiếp tục đầu tư cho sân cỏ. Quãng thời gian ông Trường “suy nghĩ lại” khá ngắn ngủi, đầu năm 2015 - “bầu Trương” tuyên bố “xóa sổ” đội chuyên nghiệp The Vissai Ninh Bình. Tương tự như vậy, những Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành, CLB Hà Nội (tiền thân là Hà Nội ACB) đã lần lượt bị “khai tử” khi ông bầu, hoặc làm ăn thất bát, hoặc dính lao lý hay đơn thuần chỉ là “không muốn làm bóng đá nữa”. Dẫu chua xót thì vẫn phải thừa nhận, đó là kết cục tất yếu, “không thể đảo ngược” khi CLB hoàn toàn phụ thuộc vào hầu bao và sự “bạo chi” của một ông bầu.
Dù không đến mức “lặn mất tăm” như các đội bóng kể trên thì câu chuyện của bóng đá Long An tiếp tục là “minh chứng sống” cho mối quan hệ cộng sinh giữa đội bóng với ông bầu. Dưới thời Chủ tịch Võ Quốc Thắng, đội bóng vùng đất “chín rồng” nổi lên như một thế lực và đã giành tới 2 chức vô địch liên tiếp trong các năm 2005 - 2006. Song, kể từ khi bầu Thắng trao quyền điều hành cho người em ruột, từng bước rút khỏi đội bóng cũng như bớt ngân khoản tài trợ cho Đồng Tâm Long An thì câu lạc bộ này cứ đuối dần và rớt thẳng xuống giải hạng Nhất. Thậm chí, ở mùa giải năm nay, “cựu vương V.League” còn suýt rớt xuống hạng Nhì mà “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, không gì khác ngoài chuyện ông bầu “thắt lưng buộc bụng”.
Tuy nhiên, không phải với mọi đội bóng, “ghế” chủ tịch cũng đồng nghĩa với sự tồn vong. Lấy chính đội bóng mà ông Nguyễn Văn Đệ đang điều hành làm dẫn chứng. “Bầu Đệ” chính thức chèo lái con thuyền bóng đá Thanh Hóa từ cuối năm 2010 và gây tiếng vang lớn khi giúp đội bóng xứ Thanh - vốn chỉ là đội “thường thường bậc trung” ở V.League - hai lần liên tiếp giành Huy chương Đồng tại các mùa giải: 2014, 2015. Lần thứ hai trở lại với bóng đá Thanh Hóa, ông Đệ cũng góp công rất lớn khi giúp đội nhà thoát khỏi nỗi ám ảnh rớt hạng, sớm tìm được vị trí “an toàn” khi mùa bóng còn chưa kết thúc.
Tất cả những chuyển động này là bằng chứng khẳng định: Trong việc điều hành một đội bóng, dẫu là doanh nhân “rẽ ngang” sang sân cỏ thì ông Đệ không phải “tay mơ”. Thậm chí có thể khẳng định, đó là một “quái kiệt”, từng thắng trong nhiều cuộc chiến pháp lý với không ít cầu thủ, huấn luyện viên thuộc loại “rắn mặt”.
Song, như chúng ta đã biết, giữa hai thời điểm kể trên, đội bóng xứ Thanh còn được “chống lưng” bởi một doanh nghiệp khác là tập đoàn FLC. Và đáng nói hơn, trong 3 năm “bầu Quyết” nắm đội, CLB Thanh Hóa thậm chí còn nhiều lần “mon men” đến thứ hạng cao nhất.
Điều ấy nói lên một điều, dù là bầu Đệ hay bầu Quyết, dù thành tích khi thăng khi trầm, lực lượng lúc mạnh lúc suy thì khi họ nói lời chia tay, bóng đá Thanh Hóa vẫn không “chết”. Trong một bài phát biểu cách đây vài năm, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đã khẳng định trước truyền thông, đại ý: Với Thanh Hóa, bóng đá không chỉ là thể thao mà còn là nhiệm vụ chính trị!
Điều đó có nghĩa, trong trường hợp ông Đệ không tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch thì người hâm mộ cũng không phải quá lo lắng, dù bầu Đệ đã là một phần của lịch sử bóng đá tỉnh Thanh./.
Thanh Hà