Nhìn lại giải bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia 2020: Sự lên ngôi của bóng đá thực dụng

Khi tấm màn nhung khép lại cũng là thời điểm truyền thông, người hâm mộ cả nước cùng nhìn lại giải chuyên nghiệp vô địch Quốc gia mùa bóng năm nay.

 

V.League 2020 được coi là kịch tính, hấp dẫn đến phút chót khi phải chờ đến vòng đấu “chốt hạ”, cả hai vị trí: Vô địch và rớt hạng mới gọi được tên chủ nhân. 

V.League 2020 ghi nhận sự xoay chuyển cục diện với liên tiếp những cú “bẻ lái” rất ngoạn mục của Ban tổ chức. Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến sân chơi “sang” nhất làng liên tục phải bấm lệnh “dừng”. Nhiều thời điểm, người ta đã nghĩ đến chuyện hủy giải, lấy điểm số sau vòng 11 làm kết quả chung cuộc. Vì lẽ đó, việc Ban tổ chức (BTC) nảy ra sáng kiến: Phân nhóm và chia giai đoạn (giai đoạn 2 chỉ đá vòng tròn giữa 8 đội dẫn đầu và 6 đội xếp sau) có thể nói là nước cờ rất sáng tạo, đảm bảo cho V.League 2020 không bị “đứt gánh” giữa đường.

Chưa khi nào, từ BTC đến các câu lạc bộ và cả hàng triệu khán giả cả nước lại thấp thỏm như năm nay; và cũng chưa có mùa giải nào mà 4 chữ “về đích an toàn” (vốn là cụm từ quen thuộc trong báo cáo tổng kết thời ông Dương Nghiệp Khôi còn ngồi ghế trưởng giải) lại phản ánh chính xác diễn biến và lột tả đúng bản chất mùa giải như V.League 2020.

Chức vô địch của Viettel chính là bằng chứng khẳng định sự đúng đắn trong tư duy, sách lược của chiến lược gia Trương Việt Hoàng.V.League 2020 cũng ghi nhận sự lên ngôi của triết lý bóng đá thực dụng. Ở giai đoạn 1, Sài Gòn FC đã gây bất ngờ với cả làng khi “ngự” trên vị trí dẫn đầu nhiều vòng đấu; đáng nói hơn, thành tích ấy được tạo bởi chuỗi chiến thắng rất “kiệm” các pha lập công: Ghi 13 bàn, để thủng lưới 3 lần/ 9 trận. Tương tự như vậy, đội bóng của huấn luyện viên Trương Việt Hoàng cũng lập nên “kỳ tích” đáng suy ngẫm: Trong số 7 trận đấu ở giai đoạn 2, họ có tới 5 chiến thắng tối thiểu (1-0). Trao đổi với báo giới, cả nhà cầm quân họ Trương lẫn Chủ tịch kiêm HLV trưởng CLB Sài Gòn - Vũ Tiến Thành đều xác nhận lối tư duy: Trước khi nghĩ đến chiến thắng, cần phải biết ngăn chặn, không cho tiền đạo đối phương ghi bàn!

Trước đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Hà Nội FC vẫn rất hùng mạnh và tôn thờ lối chơi tấn công hoa mỹ, chức vô địch của Viettel chính là bằng chứng khẳng định sự đúng đắn trong tư duy, sách lược của chiến lược gia Trương Việt Hoàng; dẫu rằng triết lý của HLV trưởng Viettel (và “bầu Thành” của Sài Gòn FC) có thể không làm hài lòng những ai yêu thích thứ bóng đá duy mỹ, “vị nghệ thuật”. Thực tế thì tại thời điểm này, Sài Gòn FC vẫn chưa giải được bài toán mang tên “khán giả”. Theo một thống kê khác, với cái mác “hậu duệ của Thể Công” (một trong những CLB có lượng fan rất đông đảo cách đây vài chục năm), Viettel dù đã và đang có sự ủng hộ không nhỏ từ các CĐV yêu mến CLB Thể Công nhưng tại V.League 2020, Nam Định mới “vô địch” về lượng ủng hộ viên trên các khán đài.

Không phủ nhận thực tế, sự thăng hoa của Sài Gòn FC ở giai đoạn 1, Viettel bất ngờ tăng tốc và “cướp cờ” sau khi giai đoạn 2 kết thúc; và như đã nói, việc giải đấu diễn ra rất khốc liệt, cạnh tranh đến phút chót khiến V.League 2020 là mùa bóng rất “đáng xem”.

Tuy nhiên, V.League 2020 không chỉ một gam màu sáng!

Ở một diễn biến cách đây chừng ba tháng, người hâm mộ cả nước đã vô cùng sửng sốt trước thông tin: Theo “bộ tiêu chí A” của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) thì V.League 2020 có tới 4/14 “đội bóng chuyên nghiệp” không đạt… chuẩn chuyên nghiệp (gần 1/3): Nam Định, Hà Tĩnh, Hải Phòng và Quảng Nam. Thậm chí, trước khi quả bóng V.League 2020 chính thức lăn những vòng đầu tiên, cả Thanh Hóa, Sông Lam Nghệ An cũng bị liệt vào nhóm những đội “Không đủ điều kiện tham dự V.League 2020”.

Để “cứu” V.League 2020, BTC đành phải “bấm bụng cho qua” - đồng ý để tất cả dự giải; đồng nghĩa tấm áo chuyên nghiệp vẫn quá rộng so với những cơ thể “còm cõi” nói trên.

Đáng buồn là hạn chế này - dù bị “điểm mặt chỉ tên” - nhưng nhiều khả năng sẽ không được khắc phục triệt để, ít nhất ở V. League 2021!

Thanh Hà

 

Bình luận

    Chưa có bình luận